Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện CưM’gar.
Cập nhật lúc: 14:02 18/05/2023
Ngay sau khi Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án được ban hành, lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện CưM’gar đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể Thẩm phán, Thư ký của đơn vị.
Đưa nội dung tuyên truyền phổ biến Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án vào các kỳ họp giao ban, quý, tháng của đơn vị, cấp phát sách tài liệu liên quan đến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, công chức tại đơn vị, đăng tải thông báo tuyển chọn Hòa giải viên, đăng 01 bài viết về vướng mắc thi hành Luật trên trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Để chuẩn bị, lựa chọn lực lượng Hòa giải viên có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải, từ tháng 01 năm 2021, Tòa án nhân dân huyện CưM’gar đã thông báo về việc tuyển chọn Hòa giải viên, lập danh sách đủ điều kiện đăng ký Hòa giải viên gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Tháng 3 năm 2021, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định và Danh sách Hòa giải viên, theo nội dung quyết định TAND huyện CưM’gar có 01 Hòa giải viên và được cử tham gia bồi dưỡng để cấp chứng chỉ. Lãnh đạo đơn vị đã phân công 01 Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, và phân công Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại; xem xét, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đến nay, Tòa án nhân dân huyện CưM’gar đã có 04 Hòa giải viên đáp ứng đủ các tiêu chí, kỹ năng thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về cơ sở vật chất, Tòa án nhân dân huyện CưM’gar được xây dựng từ năm 1996, có 09 phòng làm việc, 01 phòng xét xử, đến năm 2015 vì điều kiện không đủ phòng làm việc nên đơn vị cơi nới thêm 01 phòng làm việc; đơn vị có 19 công chức, người lao động. Phòng làm việc có diện tích nhỏ, mỗi phòng làm việc có từ 02 đến 03 công chức, phòng làm việc của Chánh án được tận dụng một phần làm phòng họp. Thời gian đầu triển khai thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, đơn vị đã chủ động sắp xếp và trưng dụng 01 phòng làm việc của công chức để làm phòng làm việc cho Hòa giải viên và trưng dụng một số trang thiết bị sẵn có để Hòa giải viên sử dụng. Đầu năm 2022, Tòa án nhân dân huyện CưM’gar đã nhận được một số tài sản chuyên dùng thiết yếu phục vụ công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất hiện nay của đơn vị chưa bố trí được phòng làm việc riêng để bố trí các trang thiết bị phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
Trụ sở TAND huyện CưM’gar
Hơn 02 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án (từ 01/01/2021 – 31/3/2023), đơn vị cũng đã đạt được những kết quả đáng chú ý, cụ thể: tổng đơn các vụ, việc đủ điều kiện tiến hành hòa giải là 1.200 vụ; tổng đơn các vụ, việc đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân huyện CưM’gar 194 vụ, chiếm tỷ lệ 16,2%; tổng số vụ đã giải quyết 176 vụ, chiếm tỷ lệ 90,7%, trong đó hòa giải thành 102 vụ, chiếm tỷ lệ 57,95%. Nhận thấy, mặc dù tổng đơn các vụ, việc đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại tại đơn vị chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng đơn các vụ, việc đủ điều kiện tiến hành hòa giải nhưng kết quả giải quyết các vụ, việc đương sự đồng ý tiến hành hòa giải đã đạt kết quả khả quan.
Hòa giải viên Lê Thị Hiền
Nguyên nhân chủ yếu, người khởi kiện/khiếu kiện mặc dù đã được công chức nhận đơn thông báo, giải thích quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên nhưng người khởi kiện/khiếu kiện thấy không cần thiết nên từ chối lựa chọn vì chưa hiểu rõ quy định về thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án, sợ kéo dài thời giải quyết, Hòa giải viên thiếu nên việc sắp xếp lịch làm việc chưa khoa học.
Từ những thuận lợi, khó khăn nêu trên Tòa án nhân dân huyện CưM’gar mạnh dạn đề xuất, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét khảo sát cấp kinh phí xây dựng thêm phòng làm việc để bố trí các trang thiết bị phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao để các Hòa giải viên yên tâm công tác và đạt hiệu quả công việc cao nhất.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?