Những vướng mắc khi “Người được hoãn chấp hành án phạt tù” thay đổi, đi khỏi nơi cư trú.
Cập nhật lúc: 14:27 27/06/2019
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018, tại Điều 67 quy định:
“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”
Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, việc quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Khoản 2 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội có nhiệm vụ quản lý người được hoãn chấp hành án. Người được hoãn chấp hành án không được đi khỏi nơi cư trú, nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội đang quản lý người đó”.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì người được hoãn chấp hành chấp hành hình phạt tù phải chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội nơi người đó cư trú, làm việc, không được đi khỏi nơi cư trú, nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội đang quản lý người đó.
Trường hợp người hoãn chấp hành án tự ý đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 4 Điều 14 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, như sau: “Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đối với người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc không có mặt tại nơi chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự nơi cư trú sau khi hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.”
Theo Khoản 2 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự thì: “….. Người được hoãn chấp hành án không được đi khỏi nơi cư trú, nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội đang quản lý người đó”. Như vậy, có nghĩa là trong một số trường hợp, người được hoãn chấp hành án vẫn được đi khỏi nơi cư trú, nếu được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội đang quản lý người đó.
Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp người được hoãn chấp hành án phạt tù phải đi chữa bệnh, đi thăm thân nhân … thì Ủy ban nhân dân, hoặc đơn vị quân đội quản lý đồng ý bằng văn bản hay chỉ đồng ý bằng miệng, hiện nay không có quy định cụ thể về hình thức như thế nào? Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng mà phải chuyển đi khỏi nơi cư trú (từ phạm vi cấp xã, cấp huyện, thuộc tỉnh hoặc ngoài phạm vi cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) mà được Ủy ban nhân dân cấp xã, hoặc đơn vị quân đội quản lý đồng ý thì việc phối hợp quản lý, theo dõi và chuyển hồ sơ giữa Tòa án có quyết định cho hoãn chấp hành hình phạt tù, cơ quan Thi hành án hình sự, Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội đến nơi cư trú mới của người được hoãn chấp hành án được thực hiện như thế nào thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên trong thực tiễn không thực hiện được.
Như vậy, để quản lý theo dõi người được hoãn chấp hành hình phạt tù đi khỏi nơi cư trú được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được thống nhất cần sửa đổi bổ sung Điều 24 Luật thi hành án hình sự như sau:
“7.Trường hợp người được hoãn chấp hành hình phạt tù thay đổi nơi cư trú trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh vì sự kiện khách quan, được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn chấp hành hình phạt tù đến cư trú để quản lý.
Trường hợp người được hoãn chấp hành hình phạt tù thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh vì sự kiện khách quan, được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hoãn chấp hành hình phạt tù đến cư trú để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Luật này khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để theo dõi.
Trường hợp người được hoãn chấp hành hình phạt tù thay đổi nơi làm việc trong phạm vi quân khu thì đơn vị quân đội có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành án cho đơn vị quân đội nơi người được hoãn chấp hành hình phạt tù đến làm việc để theo dõi.
Trường hợp người được hoãn chấp hành hình phạt tù thay đổi nơi làm việc ngoài phạm vi quân khu thì cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành cho cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp nơi người được hoãn chấp hành hình phạt tù đến làm việc để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Luật này khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù và thông báo bằng văn bản cho Tòa án quân sự khu vực và Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người được hoãn chấp hành hình phạt tù đến làm việc.
Trường hợp hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù không tiếp tục làm việc trong quân đội thì cơ quan cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án co cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hoãn chấp hành hình phạt tù cư trú để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Luật này.”
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?