Quy định có lợi về xóa án tích cho người bị kết án của Bộ luật hình sự năm 2015

Cập nhật lúc: 08:02 28/03/2017

Vấn đề xóa án tích được quy định tập trung tại Chương X của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 gồm 5 điều luật (từ Điều 69 đến Điều 73) và tại một số điều thuộc các chương khác của phần những quy định chung (Điều 89 quy định về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án thuộc chương XI và Điều 107 quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án thuộc chương XII).

BLHS năm 2015 có 07 điều luật quy định về vấn đề xóa án tích (tăng một điều so với BLHS năm 1999), trong đó có một điều (Điều 72) được giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999; một điều (Điều 89) được bổ sung mới và năm điều (các điều 69, 70, 71, 73 và 107) được sửa đổi, bổ sung.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống. Cụ thể:

1. Khoản 2 Điều 69 và Điều 107 của BLHS năm 2015 quy định rõ 5 trường hợp người bị kết án được coi là không có án tích, đó là: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; người được miễn hình phạt.

Đối với BLHS năm 1999 quy định 2 trường hợp người bị kết án được coi là không có án tích, đó là: Khoản 2 Điều 77 quy định về trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích là người chưa thành niên phạm tội, nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp: Giáo dục tại địa phương hoặc đưa vào trường giáo dưỡng và người được miễn hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 64.

2. Khoản 2 Điều 70 của BLHS 2015 giữ nguyên thời hạn một năm để được xóa án tích (đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo), đồng thời, rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo hướng còn hai năm đối với trường hợp bị phạt tù đến 5 năm; 3 năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm; và 5 năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Riêng trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

So với các điểm b, c, d khoản 2 Điều 70 của BLHS 2015 thì Điều 64 BLHS năm 1999 có thời hạn để được xóa án tích dài hơn, cụ thể: Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm; Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.

3. BLHS năm 2015 quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định.

Còn đối với quy định của BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại điểm b mục 11 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì thời hạn để xoá án tích được bắt đầu tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án, chứ không phải bắt đầu được tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính.

Như vậy, cách tính thời hạn xóa án tích của BLHS năm 2015 là sớm hơn và có lợi hơn cho người bị kết án so với BLHS năm 1999.

4. BLHS năm 2015 giao trách nhiệm cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 70 của BLHS.

So với quy định tại Điều 63 BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án. Quy định mới này tạo điều kiện cho người bị kết án được cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích thuận lợi và nhanh chóng.

5. Đối với trường hợp xóa án tích do Tòa án quyết định, BLHS năm 2015 cũng đã rút ngắn thời hạn xóa án tích và quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với BLHS năm 1999, cụ thể:

Điều 71 BLHS năm 2015 quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích như sau: 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Còn Điều 65 BLHS năm 1999 quy định người bị kết án không phạm tội mới trong thời hạn: ba năm đối với hình phạt tù đến ba năm; bảy năm đối với hình phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm; mười năm đối với hình phạt tù trên mười lăm năm.

6. Cùng với việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, BLHS năm 2015 cũng đã bổ sung quy định pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn hai năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới (Điều 89).

Trong khi chờ BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật thì Quốc hội ban hành Nghị Quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và ngày 13/9/2016, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 276/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định về xóa án tích. Trong Danh mục 195 quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 ban hành kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC nêu trên, có một số quy định về xóa án tích như quy định tại khoản 2 Điều 69, các điểm b, c, d khoản 2, khoản 3 Điều 70 và Điều 107. Vì vậy, người được xóa án tích sẽ được hưởng những quy định có lợi của Bộ luật hình sự năm 2015 tại các Điều, khoản quy định như đã nêu.

Nguyễn Thị Hạnh Vân - Vũ Đức Mạnh