Quy định về phục hồi vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Cập nhật lúc: 09:28 15/08/2019
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện gồm 510 Điều, trong đó bổ sung mới 176 Điều, sửa đổi 317 Điều, bãi bỏ 26 Điều. Bộ luật ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa và thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm quyền con người.
Trong số các Điều luật mới được bổ sung, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về phục hồi vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm tại Điều 283 như sau:
“1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định phục hồi vụ án.
Trường hợp Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án không thể thực hiện được thì Chánh án ra quyết định phục hồi vụ án.
2. Trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ đối với từng bị can, bị cáo thì ra quyết định phục hồi vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
3. Quyết định phục hồi vụ án phải ghi rõ lý do phục hồi vụ án và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
4. Khi phục hồi vụ án, Tòa án có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi vụ án không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử”.
Hình ảnh một phiên tòa rút kinh nghiệm - TAND tỉnh Đắk Lắk
Qua nghiên cứu nội dung Điều luật thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định trên trong thực tế, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, trường hợp quyết định đình chỉ vụ án không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật:
Theo quy định của khoản 1 Điều 283 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, Thẩm phán đã ra quyết định đình chỉ ra quyết định phục hồi vụ án. Tuy nhiên, quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với các quy định tại Phần thứ 6 của Bộ luật tố tụng hình sự, vì đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, việc xem xét lại phải thông qua thủ tục giám đốc thẩm (Điều 370) hoặc tái thẩm (Điều 397). Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 283 là chưa cụ thể, gây khó khăn trong áp dụng pháp luật và xác định thẩm quyền trong trường hợp phải xem xét lại quyết định đình chỉ vụ án.
Bên cạnh đó, đặt ra tình huống sau khi quyết định phục hồi vụ án được ban hành thì ai sẽ là người tiếp tục giải quyết vụ án, Thẩm phán đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án (cũng là người ban hành quyết định phục hồi vụ án) hay phải là Thẩm phán khác. Bởi lẽ, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (điểm c khoản 1 Điều 46 Bộ luật tố tụng năm 2003) thì Thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi trong trường hợp: “Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm trong vụ án đó”. Điều này được hướng dẫn chi tiết tại điểm b tiểu mục 6 Mục I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, theo đó: “Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm…trong vụ án đó là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm hoặc quyết định đình chỉ vụ án”. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu có căn cứ hủy bỏ quyết định đình chỉ để phục hồi vụ án thì Thẩm phán đã ra quyết định đình chỉ không được tiếp tục giải quyết vụ án đó.
- Thứ hai, trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án bị kháng cáo, kháng nghị:
Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án là đối tượng bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: “Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án…và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”.
Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án đã bị kháng cáo, kháng nghị, nếu Thẩm phán đã ra một trong các quyết định này nhận thấy có lý do để hủy bỏ thì cũng không có thẩm quyền ban hành quyết định phục hồi vụ án. Bởi thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định là của Tòa án nhân dân cấp trên theo quy định tại Điều 344 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Mặt khác, trong trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy quyết định đình chỉ vụ án thì Thẩm phán đã ra quyết định sơ thẩm cũng không được tham gia giải quyết lại vụ án đó như đã phân tích ở trên.
Do vậy, để có cơ sở áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn chi tiết hơn về phục hồi vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?