Quyết định hình phạt như thế nào đối với bị cáo phạm 2 tội trở lên được quy định trong cùng một điều luật

Cập nhật lúc: 08:33 28/02/2023

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có một số điều luật quy định tội ghép trong cùng một điều luật, như:

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.

Điều 338.Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước.

Điều 341.Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Điều 361.Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác.

Điều 362.Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác.

Ví dụ: Nguyễn Thị X, Trương Thị S  liên hệ trao đổi với bà Lê Thị L góp tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng  đất của bà Ng. Bà Lê Thị L đồng ý góp 500.000.000 đồng nhưng  yêu cầu phải có hợp đồng đặt cọc có công chứng thì bà L mới giao tiền cho X. Nghe vậy, X cùng S thống nhất làm giả hợp đồng đặt cọc để bà L tin tưởng giao tiền. Khi có được hợp đồng đặt cọc giả, X đưa hợp đồng đặt cọc để S ký giả chữ ký của bên chuyển nhượng đất rồi đưa cho bà L để bà L góp tiền. Do X không thực hiện được việc chuyển nhượng đất  như thỏa thuận và cũng không trả lại số tiền đã nhận cho bà L nên bà L làm đơn tố cáo X đến Cơ quan công an.

Viện kiểm sát truy tố đối với các bị cáo Nguyễn Thị X, về tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”; bị cáo Trương Thị S, về tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự và đề nghị Hội đồng xét xử:  Áp dụng khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự; điểm s, i  khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự: Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị X  từ 15 đến 18 tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Trương Thị S  từ 12 đến 15 tháng tù.

Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Nguyễn Thị X, phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”; bị cáo Trương Thị S, về tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”

Căn cứ khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự; điểm i, s  khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự:

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị X 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù.

Căn cứ khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự; điểm s  khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự:

 Xử phạt: Bị cáo Trương Thị S 01 (Một) năm tù.

Việc quyết định định hình phạt đối với Nguyễn Thị X hiện có quan điểm khác nhau:

Quan điểm  của Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử cho rằng quyết định hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị X là hoàn toàn phù hợp.Trường hợp này, mặc dù bị cáo X phạm 2 tội danh vừa làm giả  tài liệu của cơ quan, tổ chức vừa sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhưng mức hình phạt chung cho cả 2 tội danh trên đều nằm trong khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự, bởi lẽ: Tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự chỉ quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm mà không quy định cụ thể mức hình phạt được áp dụng đối với từng tội danh nên  quyết định gộp mức hình phạt của cả hai tội danh trên là hoàn toàn phù hợp.

Quan điểm của chúng tôi cho rằng: Viện kiểm sát đề nghị quyết định hình phạt và Hội đồng xét xử quyết định hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị X trong trường hợp trên là chưa phù hợp, không phân hóa, đánh giá được tính chất nguy hiểm từng hành vi phạm tội của Nguyễn Thị X. Mặc dù cả hai tội danh trên được quy định trong cùng 1 điều luật, nhưng về mặt cấu thành tội phạm thì các hành vi Nguyễn Thị X thực hiện cấu thành hai tội danh độc lập đó là tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Bởi lẽ:

Về chủ thể: Nguyễn Thị X là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đối với tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Về khách thể: Hành vi làm giả hay sử dụng đều xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước.

Về mặt khách quan: Hai tội danh được thực hiện bởi hai hành vi khác nhau:

Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Về mặt chủ quan:

Cả hai tội trên đều được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.

Do đó, theo chúng tôi khi quyết định hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị X nêu trên phải quyết định hình phạt của tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và quyết định hình phạt của tội“Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” riêng biệt sau đó áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt chung mới đúng với quy định của Bộ luật hình sự.

Đây là quan điểm của chúng tôi, rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các quý đồng nghiệp và độc giả để việc nhận thức pháp luật được thống nhất.

Văn Anh - Văn Khanh