Thông báo về việc kháng nghị trong Tố tụng Hình sự - một số ý kiến trao đổi.

Cập nhật lúc: 14:31 22/11/2021

Kháng nghị của Viện kiểm sát là một quyền đã được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hiện nay, việc ban hành Thông báo kháng nghị đang được thực hiện theo Điều 338 Bộ luật Tố tụng Hình sự và hướng dẫn bởi Biểu mẫu số 48/HS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao. Trong phạm vi bài viết, người viết đưa ra một số quan điểm cá nhân liên quan tới vấn đề này.

- Thẩm quyền của việc ban hành Thông báo kháng nghị.

Điều 338 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định:  “Điều 338. Thông báo về việc kháng cáo, gửi quyết định kháng nghị

1. Việc kháng cáo phải được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu của người kháng cáo.

2. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị, Viện kiểm sát phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, gửi quyết định kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị. Viện kiểm sát đã kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát khác có thẩm quyền kháng nghị.

3. Người tham gia tố tụng nhận được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.”

Như vậy, Điều 338 hướng dẫn hai vấn đề. Một là “Thông báo về việc kháng cáo”, hai là “gửi quyết định kháng nghị”. Đối với trường hợp Bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo thì căn cứ khoản 1 Điều 338, thẩm quyền ban hành Thông báo về việc kháng cáo đương nhiên do Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện. Mặt khác, trong trường hợp Bản án, Quyết định sơ thẩm bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị thì Viện kiểm sát ban hành Quyết định kháng nghị phải gửi Quyết định kháng nghị cho Tòa án cấp sơ thẩm, bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị.

Trên cơ sở Thông báo về việc kháng cáo hoặc Quyết định kháng nghị thì người tham gia tố tụng có quyền gửi văn bản ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm.

- Một số ý kiến trao đổi.

Như vậy, trong trường hợp vụ án có kháng nghị thì việc gửi Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát cho bị cáo, những người liên quan đến kháng nghị đã là một hành động tố tụng. Đồng thời đây cũng là một hình thức “thông báo” cho những người này biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình do có kháng nghị. Vì vậy, theo quan điểm của người viết thì Tòa án cấp sơ thẩm không cần thiết phải ban hành thêm Thông báo về việc kháng nghị nữa mà vẫn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan. Trường hợp cần thiết phải ban hành Thông báo về việc kháng nghị thì nên quy định thẩm quyền thuộc về Viện kiểm sát chứ không phải Tòa án.

Liên hệ sang lĩnh vực dân sự. Điều 277 và Điều 281 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định về “Thông báo về việc kháng cáo” và “Thông báo về việc kháng nghị” cũng có nội dung tương tự như trong Tố tụng Hình sự. Nhưng biểu mẫu số 62/DS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ/HĐTP hướng dẫn các Biểu mẫu trong tố tụng dân sự thì Tòa án lại không ban hành Thông báo về việc kháng nghị mà chỉ ban hành Thông báo về việc kháng cáo.

Hiện nay Biểu mẫu số 48/HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao vẫn đang hướng dẫn chung thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án phải ban hành thông báo khi có kháng nghị.

Từ những phân tích nêu trên, tác giả cho rằng nên xem xét, đánh giá và quy định lại nội dung của Biểu mẫu số 48/HS theo hướng Tòa án không ban hành Thông báo kháng nghị nữa đề phù hợp với tinh thần của Đièu 338 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trên đây là quan điểm của tác giả liên quan đến vấn đề ban hành Thông báo về việc kháng nghị theo Bộ luật tố tụng Hình sự. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc để việc hiểu và áp dụng pháp luật được đúng và thống nhất.

Việt Tiệp – TAND huyện Ea H’Leo