Thực trạng kết hôn sớm, ly hôn nhanh ở Đắk Lắk

Cập nhật lúc: 11:24 15/02/2017

Gia đình là tế bào của xã hội, là một thiết chế xã hội đặc thù có vị trí và vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ và chuyển giao các giá trị văn hóa của cả dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, gia đình là một trong những thiết chế quan trọng nhất của xã hội. Vì vậy, việc “Dựng vợ, gả chồng” ổn định cuộc sống gia đình cho con cái được coi là một trách nhiệm quan trọng của bậc làm cha, làm mẹ. Việc kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi thành niên hay còn gọi tảo hôn là một hiện tượng phổ biến trong xã hội trước đây. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, gia đình ở Việt Nam nói chung, ở Đăk Lăk nói riêng đang dần chuyển hóa và chịu ảnh hưởng của một số đặc điểm quan trọng thuộc nền văn minh công nghiệp. Hiện nay, kết hôn sớm do mang thai ở tuổi chưa thành niên đang còn tiếp diễn do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và công nghệ thông tin tác động đến đời sống cộng đồng xã hội. Do yêu vội cưới gấp, kết hôn theo trào lưu không chuẩn bị kỹ càng trước bước vào cuộc sống lứa đôi.

          Từ đó, dẫn đến ly hôn nhanh trong giới trẻ đang tăng dần lên, chủ yếu áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống, sự không chung thủy của hai người ngoại tình, đánh đập vũ phu, không có con, nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc… Số lượng án ly hôn chiếm tỷ lệ cao, đa số các vụ án ly hôn thuộc gia đình trẻ tuổi dưới 30 và phần lớn ly hôn khi mới chung sống được từ 1 năm đến 7 năm, hầu hết con còn nhỏ. Khi bố mẹ ly hôn, hậu quả để lại các con bỏ học, trộm cắp, nghiện hút dẫn đến cướp của giết người, hiếp dâm…

          Đối với tỉnh Đắk Lắk, nằm tại trung tâm vùng Tây nguyên, địa hình đại bộ phận của tỉnh nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, địa hình đa dạng vùng núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng. Diện tích của cả tỉnh là 13.140 Km2 , dân số trong năm 2015 là 1.853.700 người,  gồm các dân tộc Kinh, Ê Đê, Mnông, Tày, Thái, Dao…, nhưng trong năm 2016 có 182 cặp tảo hôn, chủ yếu là người đồng bào các dân tộc không đi học hoặc bỏ học sớm.

          - Năm 2015 Tòa án hai cấp của tỉnh Đăk Lăk đã thụ lý 3.469 vụ việc, đã giải quyết 3.332 vụ việc Hôn nhân và Gia đình (số liệu từ 01/10/2014 đến 30/9/2015).

- Trong năm 2016, Tòa án hai cấp của tỉnh Đăk Lăk thụ lý 4.195 vụ việc, đã giải quyết 4.063 các vụ việc Hôn nhân và Gia đình (số liệu từ 01/10/2015 đến 30/9/2016).

          Qua xem xét số liệu của hai năm 2015 và 2016, thì tình trạng kết hôn sớm, ly hôn nhanh hiện nay ở Đăk Lăk là rất cao, thiết nghĩ cần phải có các biện pháp tuyền truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn, giảm bớt việc kết hôn sớm, ly hôn nhanh.

Lê Thị Tùng