Thực trạng ly hôn hiện nay trên địa bàn huyện Krông Pắc, nguyên nhân và một số giải pháp

Cập nhật lúc: 09:03 27/06/2018

Ly hôn là một hiện tượng xã hội phức tạp, để lại cho các cá nhân trong cuộc và xã hội những hậu quả nặng nề. Ly hôn đang là thực trạng bức xúc của xã hội. Bởi ly hôn kéo theo sự phân chia tài sản vợ chồng, người trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, chấm dứt quan hệ vợ chồng. Xã hội phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi ly hôn ngày càng gia tăng như: tình trạng trẻ em có cha mẹ ly hôn bỏ nhà lang lang, tội phạm ở độ tuổi vị thành niên không ngừng gia tăng.

Tình hình thụ lý giải quyết tranh chấp ly hôn trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Krông Pắc không ngừng gia tăng hàng năm. Cụ thể, năm 2014, TAND huyện Krông Pắc thụ lý 236 vụ việc, đến năm 2017 đã thụ lý 374 vụ việc. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã thụ lý hơn 303 vụ việc về hôn nhân gia đình.

Qua công tác thụ lý các vụ án ly hôn trong 5 năm trở lại đây thì tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp 3 đến 5 lần so với người chồng. Điều đáng lo ngại là khoảng 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ ở nhóm tuổi 20-35 và hầu hết đã có con. Khi một cuộc hôn nhân đỗ vỡ, thì đó là nỗi đau mất mát của hai vợ chồng, trong thực tế phụ nữ sẽ gặp khó khăn gấp bội, phải gồng mình để gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy con và luôn phải chịu áp lực về tài chính, bị thiệt thòi về tâm lý, tình cảm, hiệu suất công việc.

Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con, những đứa trẻ trong các gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến việc trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này, thường có những biểu hiện lệch lạc và sa ngã, phạm tội. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương, sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội gia tăng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng cao như hiện nay, nhưng chủ yếu tập trung vào một số nguyên nhân chính sau:

Do điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển về tâm sinh lý, giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ vẫn chưa tìm hiểu kỹ về nhau cũng như các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân nên khi về chung sống với nhau không hợp dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Một số cặp vợ chồng trẻ ngày nay chưa cảm nhận được hết giá trị của gia đình thậm chí còn thường xuyên sử dụng từ “ly hôn” để “dọa nhau” mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay thiên về lối sống cá nhân nhiều hơn. Khi xảy ra mâu thuẫn họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Do bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, khi bạo lực xảy ra sẽ gây ra nhiều sứt mẽ trong tình cảm, không tìm thấy được sự hoà hợp mà chỉ còn sự ức chế và sợ hãi dần dần họ không thể chịu đựng nữa và dẫn đến ly hôn.

Do điều kiện kinh tế gia đình: Nhiều cặp vợ chồng trẻ, sau khi cưới nhau cả hai đều không có việc làm ổn định dẫn đến đời sống kinh tế gia đình bấp bênh. Không có tiền nuôi con nên mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Thêm vào đó là cái tôi của mỗi người đã khiến cho mâu thuẫn trầm trọng hơn. 

Do vợ hoặc chồng không chung thủy: Hầu như những gia đình có vợ hoặc chồng ngoại tình đều dẫn đến tan vỡ. Điều này dẫn đến xu hướng ngoại tình ngày càng gia tăng và thực sự trở thành mối lo cho các gia đình.

Do những biểu hiện về bình đẳng giới: Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cũng cao gấp nhiều lần so với nam giới. Lý do chính là giá trị cá nhân được đề cao hơn, người phụ nữ chủ động hơn trong hạnh phúc của mình và cũng chứng tỏ nhận thức của nữ giới về quyền và địa vị của họ đã thay đổi.

Ngoài các nguyên nhân trên còn có nguyên nhân từ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, sinh con một bề, cách sống, cách quản lý và nuôi dạy con cái cũng như các hành vi ứng xử giao tiếp trong gia đình, nguyên nhân từ sự phát triển về các dịch vụ hỗ trợ gia đình như giáo dục, y tế, dịch vụ nội trợ, dịch vụ giải trí... đã thay thế dần những chức năng trước đây chỉ gia đình mới có thể đảm nhiệm được, nhiều người chưa nhận thức được vị trí của gia đình cho rằng gia đình không còn là nơi duy nhất để họ trú ẩn, dần dần vai trò của gia đình được đánh giá thấp, giá trị gia đình không còn quan trọng.

Để từng bước hạn chế thực trạng ly hôn đang  gia tăng như hiện nay, cần thực hiện các giải pháp:

Các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Nói không với những tệ nạn xã hội, sống thủy chung. Điều quan trọng nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.

Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thực tế cho thấy kinh tế gia đình ổn định sẽ làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên tốt đẹp hơn, không còn mâu thuẫn xuất phát từ lý do khó khăn về kinh tế

Các cặp vợ chồng trẻ cần tăng cường học hỏi, tham vấn về kiến thức tiền hôn nhân, giao tiếp, lối ứng xử trong gia đình để nâng cao kỹ năng cuộc sống gia đình.

Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình, giúp cho các thành viên trong gia đình xây dựng mối quan hệ tương trợ, thân thiện, gần gũi hơn. Bởi lẽ, nếu như gia đình có nền giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức thì nguy cơ đỗ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn.

Thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”,“Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. Ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Cần biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, điển hình trong khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận, giữ vững hạnh phúc, nuôi dạy các con ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu thảo, chăm lo phụng dưỡng ông bà, kính trên, nhường dưới.

Cần tăng cường hơn nữa công tác hoà giải, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái. Mặt khác cần lồng ghép, và tổ chức truyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, vai trò của gia đình trong nhân dân thông qua các cuộc họp tổ dân phố, họp phụ nữ, thường xuyên mở các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau, đồng thời trang bị thêm các kiến thức về pháp luật và xã hội để mọi người nhận thức được vai trò của gia đình để cùng nhau đem lại cuộc sống gia đình hạnh phúc. 

Hoàng Long