Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?
Cập nhật lúc: 04:47 12/12/2023
Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?
Nội dung vụ án:
Khoảng 21 giờ 15 phút ngày 06/8/2023 tại địa phận xã E, huyện C, các đối tượng gồm: Trần Văn D, Nguyễn Hữu N, Nguyễn Văn H, Đỗ Tấn P có hành vi dùng khúc cây cà phê (H cầm thêm bình xịt hơi cay) đuổi đánh nhóm thanh niên có anh Y D Êban, Y P Byă và một số người khác vì cho rằng nhóm người này đua xe, rú ga gây ồn ào mất an ninh trật tự khu dân cư. Khi bị đuổi đánh, nhóm của anh Y D, Y P bỏ chạy để lại 03 xe mô tô gồm xe Exciter 47H1-301.69; Exciter 47H1-691.35; xe Dream 47L8-5489. Sau khi đuổi đánh nhóm người xong, Trần Văn D nảy sinh ý định mang 03 xe mô tô trên về cất giấu để đợi chủ xe đến chuộc xe nhằm lấy tiền chia nhau tiêu xài và được những người khác trong nhóm đồng ý. Sau đó, Đỗ Tấn P và Nguyễn Hữu N mang xe Exciter 47H1-301.69 và xe Dream 47L8-5489 về kho của Trần Văn D cất giấu; Nguyễn Hữu N mang xe Exciter 47H1-691.35 cất giấu tại bụi cây dại gần trường học. Khoảng 18 giờ ngày 07/8/2023 anh Y P liên lạc với nhóm của Trần Văn D xin chuộc xe thì được nhóm Trần Văn D cho chuộc xe với số tiền 4.000.000 đồng. Sau đó, cả nhóm của Trần Văn D được Công an huyện Cư M’gar mời lên làm việc.
Trong quá trình nghiên cứu giải quyết vụ án này về cơ bản các ý kiến đều thống nhất xác định: Hành vi của Trần Văn D và đồng bọn dùng khúc cây cà phê đuổi đánh nhóm của anh Y D và Y P nhưng không gây thương tích nên hành vi này phải bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, đối với các đối tượng Trần Văn D, Nguyễn Hữu N, Nguyễn Văn H, Đỗ Tấn P hiện vẫn còn có quan điểm khác nhau về việc xác định hành vi của nhóm đối tượng này lấy 03 xe mô tô là phạm mấy tội và phạm tội gì.
1/ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đối với hành vi sau khi nhóm của Y D, Y P bỏ chạy để lại 03 xe mô tô, nhóm của Trần Văn D, Nguyễn Hữu N, Nguyễn Văn H, Đỗ Tấn P đã có hành vi đem cất giấu 03 xe mô tô Exciter 47H1-301.69; Exciter 47H1-691.35; xe Dream 47L8-5489 để đợi chủ xe chuộc xe. Trong đó:
Đối với xe mô tô Exciter 47H1-691.35 thì ngày 07/8/2023 anh Y P đã liên lạc với nhóm Trần Văn D xin chuộc xe và sau khi anh Y P đưa cho Nguyễn Hữu N số tiền 4.000.000 đồng thì được nhận lại xe. Về mặt hành vi khách quan, trước đó nhóm của Trần Văn D đã có hành vi đuổi đánh anh Y P khiến anh Y P sợ và bỏ chạy, sau đó nhóm của Trần Văn D đem xe của anh Y P về mục đích để chờ anh Y P xin chuộc xe, khi anh Y P gọi điện xin chuộc xe thì nhóm của Trần Văn D yêu cầu đưa số tiền 4.000.000 đồng mới cho chuộc xe. Các hành vi của nhóm Trần Văn D có tính liên tiếp, hành vi trước là tiền đề để thực hiện hành vi sau, do anh Y P trước đó đã bị nhóm của Trần Văn D đuổi đánh và bỏ chạy, tức là có sự uy hiếp về tinh thần, nên khi anh Y P gọi điện xin lại xe và được yêu cầu phải đưa số tiền 4.000.000 đồng mới được nhận lại xe thì anh Y P buộc phải đưa tiền để được chuộc xe. Mặt chủ quan của tội phạm này được xác định với lỗi cố ý trực tiếp và mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc về mặt chủ quan của cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Do đó, hành vi của các đối tượng có đủ dấu hiệu “có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” (tài sản chiếm đoạt là số tiền 4.000.000 đồng), đã thỏa mãn dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự.
Đối với xe Exciter 47H1-301.69 (trị giá 9 triệu đồng) và xe Dream 47L8-5489 (Trị giá 01 triệu đồng) các đối tượng đã chiếm đoạt có đủ dấu hiệu của tội Cướp tài sản. Bởi vì xét diễn biến hành vi khách quan của các đối tượng thì hành vi dùng hung khí nguy hiểm là khúc cây cà phê, bình xịt hơi cay để đánh nhóm anh Y D, Y P là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc anh Y D, Y P phải bỏ chạy, không còn khả năng quản lý được tài sản để các bị cáo chiếm đoạt. Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của “dùng vũ lực ngay tức khắc” và “chiếm đoạt tài sản”; do đó đã thỏa mãn cấu thành của tội Cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự.
2/ Quan điểm thứ hai cho rằng: hành vi sau khi nhóm của Y D, Y P bỏ chạy để lại 03 xe mô tô, nhóm của Trần Văn D, Nguyễn Hữu N, Nguyễn Văn H, Đỗ Tấn P đã có hành vi đem cất giấu 03 xe mô tô Exciter 47H1-301.69; Exciter 47H1-691.35; xe Dream 47L8-5489 để đợi chủ xe chuộc xe thõa mãn dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự. Vì mục đích của nhóm Trần Văn D khi chiếm đoạt cả 03 chiếc xe là chờ chủ liên lạc xin chuộc xe để lấy tiền tiêu xài, do đó mặc dù mới có anh Y P xin chuộc xe Exciter 47H1-691.35 với số tiền 4.000.000 đồng còn 02 xe còn lại chưa có người chuộc xe nhưng xét về mục đích ban đầu của nhóm Trần Văn D không phải là bán 03 xe mà là để chủ xe xin chuộc xe thì lấy tiền, tài sản chiếm đoạt là tiền chuộc xe chứ không phải xe nên các đối tượng chỉ phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự.
3/ Quan điểm thứ ba và cũng là quan điểm của tác giả: Đối với hành vi chiếm đoạt số tiền 4.000.000 đồng là tiền chuộc xe Exciter 47H1-691.35 của anh Y P của các đối tượng Trần Văn D, Nguyễn Hữu N, Nguyễn Văn H, Đỗ Tấn P đã thỏa mãn dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự như phân tích ở trên.
Đối với xe Exciter 47H1-301.69 và xe Dream 47L8-5489 có tổng giá trị 10.000.000 đồng: Ban đầu nhóm của Trần Văn D đuổi đánh nhóm của anh Y D, Y P chỉ nhằm mục đích dằn mặt vì cho rằng nhóm người này đua xe, rú ga gây ồn ào mất an ninh trật tự khu dân cư chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Sau khi anh Y D, Y P bỏ chạy để lại xe máy không ai quản lý thì nhóm của Trần Văn D mới nảy sinh ý định đem xe về, chờ anh Y D, Y P liên lạc xin chuộc xe để lấy tiền tiêu xài. Về mặt hành vi khách quan của tội Cướp tài sản là “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản..”; tức là mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước hoặc đồng thời với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Đối chiếu với quy định này thì hành vi của nhóm Trần Văn D không thỏa mãn dấu hiệu của tội Cướp tài sản như quan điểm thứ nhất.
Mặt khác, tham khảo Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ số: 233/TANDTC-PC, ngày 01/10/2019 của TANDTC, trong đó có hướng dẫn:“Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.”. Như vây, qua hướng dẫn trên cho chúng ta thấy chỉ đối với người thực hiện một hành vi mà hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Còn, đối với người thực hiện nhiều hành vi mà mỗi hành vi đều có cấu thành tội phạm độc lập sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội tương ứng với hành vi đó. Đối chiếu với tình huống trong vụ án nêu trên, hành vi chiếm đoạt số tiền 4.000.000 đồng là tiền chuộc xe mô tô 47H1-691.35 của anh Y P đã thỏa mãm dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản. Còn đối với 02 chiếc xe còn lại các đối tượng vẫn đang chiếm đoạt bất hợp pháp, việc các đối tượng chiếm đoạt được 02 xe là do nhóm anh Y D bỏ chạy để lại xe, không có đủ dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản là “người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” như quan điểm thứ hai đã nêu.
Đối chiếu với dấu hiệu của hành vi trộm cắp tài sản thấy rằng, về mặt lý luận hành vi trộm cắp tài sản có nghĩa là “người nào dùng thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác hoặc tạo ra sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản mà bí mật chiếm đoạt tài sản đang do người đó quản lý có giá trị từ...”; áp dụng vào tình huống vụ án nêu trên thấy rằng nhóm của Trần Văn D đã lợi dụng tình trạng nhóm của anh Y D, Y P bỏ chạy nên đã lấy 02 chiếc xe trên về cất giấu. Về hành vi khách quan, nhóm của Trần Văn D, Nguyễn Hữu N, Nguyễn Văn H, Đỗ Tấn P biết 02 chiếc xe đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, nhưng các đối tượng đã lợi dụng việc nhóm của anh Y D, Y P bỏ chạy, để lại tài sản không có người trông coi, quản lý nên đã chiếm đoạt các chiếc xe trên. Dấu hiệu lén lút, bí mật chỉ phản ánh ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi lấy tài sản. Cụ thể, khi lấy tài sản người quản lý tài sản không có mặt ở đó hoặc người quản lý tài sản có mặt ở đó nhưng theo ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng họ không biết được hành vi chiếm đoạt mà mình đang thực hiện. Do đó, hành vi chiếm đoạt 02 chiếc xe Exciter 47H1-301.69 và xe Dream 47L8-5489 của nhóm Trần Văn D có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự.
Từ những phân tích, lập luận nêu trên, quan điểm của tác giả rằng phải truy tố, xét xử Trần Văn D, Nguyễn Hữu N, Nguyễn Văn H, Đỗ Tấn P về 02 tội, cụ thể: Tội: “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự mới phù hợp, đúng pháp luật đảm bảo xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không làm oan hay bỏ lọt người, lọt tội.
Trên đây là quan điểm của tác giả về việc xác định trong vụ án nêu trên Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì? Xin được trao đổi với các đồng nghiệp. Mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp ./.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Vướng mắc trong việc xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả.