Tranh chấp trong việc sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng

Cập nhật lúc: 15:45 01/12/2021

Thẻ tín dụng là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Nói một cách đơn giản, thẻ tín dụng là loại thẻ giúp bạn mua hàng trước và thanh toán lại cho ngân hàng sau. Với sự tiện lợi như vậy, số lượng người sử dụng loại thẻ này ngày càng nhiều. Song song với việc sử dụng phổ biến thẻ tín dụng thì các tranh chấp giữa ngân hàng và người sử dụng liên quan đến thẻ tín dụng cũng tăng lên và ngày càng phức tạp.

Ví dụ: Ngày 23/5/2017 ông T có ký hợp đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn thương tín (gọi tắt là ngân hàng) hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng (bao gồm giấy đề nghị cấp thẻ tín dụng kiêm hợp đồng cùng bản điều khoản, điều kiện phát hành và sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng – các tài liệu này được gọi chung là hợp đồng). Căn cứ thu nhập của ông T ngân hàng đã đồng ý cấp thẻ tín dụng với hạn mức sử dụng là 10.000.000 đồng với mục đích tiêu dùng cá nhân.

Sau khi được cấp thẻ, ông T đã thực hiện các giao dịch với tổng số tiền gốc là 11.414.175 đồng, số tiền lãi tạm tính đến ngày 29/6/2020 là 4.050.774 đồng. Qua nhiều lần nhắc nhở nhưng ông T vẫn không có thiện chí trả nợ. Do ông T vi phạm nghĩa vụ thanh toán (Điều 2 của bản điều khoản và điều kiện phát hành sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng). Ngân hàng đã chấm dứt quyền sử dụng thẻ và chuyển toàn bộ dư nợ còn thiếu sang nợ quá hạn (Điều 23 của bản điều khoản và điều kiện phát hành sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng).

Do đó Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn ông T có trách nhiệm trả cho ngân hàng tổng số tiền tạm tính đến ngày 29/6/2020 là 15.464.949 đồng: trong đó nợ gốc là 11.414.175 đồng, lãi + lãi quá hạn là 4.050.774 đồng. Và toàn bộ lãi phát sinh từ ngày 30/6/2020 cho đến khi trả hết nợ vay theo lãi suất quy định tại hợp đồng.

Do xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng tín dụng nên căn cứ Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:

Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

“1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2.Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Tòa án đã nhận định hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng giữa Ngân hàng và ông T là hợp đồng vay tài sản. Do đó, Tòa án đã căn cứ Điều 463 và Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

...

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Vấn đề đặt ra là trường hợp ông T ký giấy đề nghị cấp thẻ tín dụng kiêm hợp đồng sử dụng thẻ với Ngân hàng với hạn mức sử dụng là 10.000.000 đồng. Trong quá trình sử dụng thẻ, ông T đã sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch. Vậy khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán ngân hàng khởi kiện ông T buộc ông T trả số nợ gốc và lãi như thế nào.

Nghĩa vụ chứng minh là của ngân hàng, Ngân hàng đã sao kê tóm tắt chi tiết các giao dịch theo hàng tháng. Tuy nhiên trường hợp ông T tham gia phiên tòa và đề nghị ngân hàng chứng minh các khoản giao dịch thực hiện hàng tháng là bao nhiêu, do ai thực hiện thì trường hợp này xác định như thế nào? Trường hợp ông T vắng mặt không tham gia thì có cần thiết phải giám định chữ ký, chữ viết của ông T trong hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng hay không?

Có các quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Trường hợp ông T tham gia phiên tòa và không đồng ý với bản tóm tắt sao kê, hàng tháng không có chữ ký của người thực hiện giao dịch và ngân hàng không đưa ra được chi tiết chính ông T là người thực hiện các giao dịch thì không có căn cứ buộc ông T phải thanh toán số nợ gốc và lãi theo như yêu cầu khởi kiện của ngân hàng.

Quan điểm thứ hai: Trường hợp ông T tham gia phiên tòa và không chứng minh được việc thực hiện các giao dịch và ngân hàng chứng minh bằng việc tóm tắt sao kê hàng tháng thì có căn cứ buộc ông T phải có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng  theo bản kê của ngân hàng.

Quan điểm thứ ba: Trường hợp ông T không tham gia phiên tòa thì không cần phải trưng cầu giám định chữ ký trong hợp đồng sử dụng thẻ, bởi đây là quan hệ tranh chấp hợp đồng tín dụng với chủ thể ngân hàng, do đó không cần thiết phải trưng cầu giám định chữ ký.

Quan điểm thứ tư: Trường hợp ông T không tham gia phiên tòa thì buộc phải trưng cầu giám định chữ ký của ông T trong hợp đồng sử dụng thẻ để có căn cứ buộc ông T có nghĩa vụ thanh toán số nợ gốc và lãi theo hợp đồng đã ký.

Có thể thấy, việc sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán, chi trả cho các giao dịch trong đời sống hàng ngày dần trở nên phổ biến bởi sự tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên cùng với việc ngày càng có nhiều người đăng ký sử dụng thẻ tín dụng, thì tranh chấp phát sinh về hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng giữa cá nhân và các tổ chức tín dụng ngày càng nhiề,u phức tạp và khó giải quyết. Do vậy, cần có hướng dẫn của HĐTPTANDTC để áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật nhằm giải quyết triệt để các vụ án liên quan đến hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng.

Vũ Dư – Kim Cúc