Trao đổi bài viết “đánh giá chứng cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền khi chỉ có giấy vay tiền”
Cập nhật lúc: 04:11 20/07/2021
Trong bài viết “đánh giá chứng cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền khi chỉ có giấy vay tiền” của tác giả Bùi Văn Khanh - TAND thị xã Buôn Hồ có nêu ví dụ: “ông Phan Quốc C cho chị Hà Thị D vay số tiền 02 tỷ đồng, thời hạn vay 03 tháng. Hết thời hạn vay, chị D không trả cho ông C khoản tiền nào. Ông C khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu buộc chị D phải trả số tiền nợ gốc và lãi theo quy định. Kèm theo đơn khởi kiện, ông C cung cấp cho Tòa án 01 giấy vay tiền viết tay có chữ ký của bênvay là chị D”. Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án thì chị D không tham gia tố tụng mặc dù đã triệu tập hợp lệ. Tòa án đã tiến hành thu thập chứng cứ là các chữ ký, chữ viết của chị D để trưng cầu giám định chữ ký của chị D trong “giấy vay tiền” nhưng không có kết quả.
Đồng thời, tác giả cũng đưa ra hai quan điểm về đường lối xử lý đối vụ án nêu trên.
Quan điểm thứ nhất: Với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, hiện chỉ có giấy vay tiền có chữ ký của chị D, không có công chứng, chứng thực nên không đủ cơ sở để khẳng định có hay không việc vay mượn tiền giữa hai bên và xét xử theo hướng bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Quan điểm thứ hai (đây là quan điểm của tác giả): Với tài liệu chứng cứ do nguyên đơn cung cấp là giấy vay tiền (không có công chứng, chứng thực) đã có đủ cơ sở để chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, bởi lẽ: nguyên đơn không cần biết và không buộc phải biết bị đơn ký đúng chữ ký của mình như trong các văn bản cần chữ ký của bị đơn hay không? Nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn đã hoàn thành và bị đơn phải có nghĩa vụ có mặt tại Tòa án để chứng minh chữ ký, chữ viết trong giấy vay tiền không phải là của mình. Việc bị đơn vắng mặt được coi là từ bỏ quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời quan điểm này cũng cho rằng bị đơn còn có quyền kháng cáo, khiếu nại theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tôi xin trao đổi về các quan điểm nêu trên như sau:
Tại khoản 1 Điều 6 BLTTDS 2015 quy định “Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”
Điều 91 BLTTDS 2015 quy định nghĩa vụ chứng minh:
“Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”; (khoản 1)
“Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó” (khoản 2).
“Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc” (khoản 4).
Như vậy, đối chiếu với các quy định của BLTTDS được viện dẫn nêu trên chúng ta thấy: Nguyên đơn có nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án các chứng cứ và phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ hợp pháp. Bị đơn phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thấp, cung cấp, giao nộp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó. Điều đó có nghĩa là nguyên đơn khởi kiện thì nguyên đơn có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh việc khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Trong vụ án mà tác giả đã nêu ở trên, theo quan điểm của tôi có các tình tiết và các hướng xử lý như sau:
Trường hợp thứ nhất: Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã gửi thông báo thụ lý vụ án theo đúng quy định tại Điều 196 BLTTDS mà bị đơn không có sự phản đối bằng văn bản (khoản 2 Điều 91 BLTTDS) thì theo quy định tại tại khoản 2 Điều 92 BLTTDS:“Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”. Do đó, “...tài liệu, văn bản...” (giấy vay tiền) do bên nguyên đơn cung cấp là những tài liệu, chứng cứ không phải chứng minh. Tòa án xét xử theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện mà không cần thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh.
Trường hợp thứ hai: Nếu sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, bị đơn có văn bản phản đối, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong trường hợp này, theo khoản 1 Điều 91 BLTTDS nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tức là với tài liệu (giấy vay tiền) chưa thể xác định là yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ hay không? Do đó, cần phải thu thập, cung cấp các tài liệu chứng cứ khác trong đó có biện pháp giám định chữ ký là biện pháp sử dụng thường xuyên và có căn cứ vững chắc để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngoài biện pháp giám định chữ ký, chữ viết còn có nhiều biện pháp khác để thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ để có kết luận chính xác. Trong trường hợp chỉ có giấy vay tiền nêu trên ngoài ra không có tài liệu, chứng cứ nào khác thì theo quan điểm của tôi là chưa đủ chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp.
Trường hợp thứ ba: Đối với trường hợp tại thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, bị đơn đã đi khỏi nơi cư trú và không có căn cứ để xác định bị đơn biết được việc nguyên đơn đang khởi kiện. Do vậy, không có căn cứ để xác định bị đơn phản đối hay không phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 1 Điều 91 BLTTDS về nghĩa vụ chứng minh thì nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp và hướng xử lý theo quan điểm của tôi giống như trường hợp thứ hai.
Để lập luận cho quan điểm của mình, tôi xin nêu thêm ví dụ khác như sau: Cũng ví dụ như bài viết đưa ra, khi nhận được thông báo thụ lý vụ án về việc ông C kiện khoản tiền vay 02 tỷ đồng, chị D có văn bản cho rằng đã trả được 01 tỷ đồng sau đó chị D cố tình vắng mặt. Trong trường hợp này bằng văn bản trả lời của chị D, đã có đủ cơ sở xác định chị D có vay của ông C số tiền 02 tỷ đồng. Tuy nhiên chị D cho rằng đã trả 01 tỷ đồng nên theo khoản 2 Điều 92 BLTTDS thì chị D phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc phản đối của mình. Việc chị D không tham gia tố tụng nên điều đó có nghĩa là chị D đã không đưa ra được chứng cứ nên chị D phải gánh chịu hậu quả pháp lý cho việc vắng mặt của mình.
Tóm lại, trong vụ án cụ thể như ví dụ mà bài viết đã nêu, để có hướng giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, chúng ta cần phải căn cứ vào tình tiết cụ thể. Nếu chỉ với nội dung vụ án như vậy mà xử lý theo quan điểm thứ nhất của bài viết là không chính xác; còn nếu theo quan điểm thứ hai là có sự nhầm lẫn về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự.
Trên đây là quan điểm của cá nhân, trao đổi về bài viết “Đánh giá chứng cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền khi chỉ có giấy vay tiền”. Rất mong nhận được các ý kiến tranh luận của quý độc giả./.
Nguyễn Văn Chung
Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?
- Vướng mắc trong việc xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả.