Trao đổi quan điểm về vụ án “Nguyễn B phạm một hay hai tội?”
Cập nhật lúc: 17:15 16/08/2023
Sau khi đọc bài viết “Nguyễn B phạm một hay hai tội?” của tác giả Nguyễn Bá Nhất đăng ngày 20/7/2023, tôi có ý kiến trao đổi quan điểm về vụ án như sau:
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Vào năm 2016, L sinh năm 1992, trú tại phường B, thị xã H, làm lái xe chở hàng cho B. Đến tháng 12/2020 thì L nghỉ việc, trong thời gian này thì H (là vợ L) nghi ngờ giữa L và B có quan hệ nam nữ với nhau nên nhiều lần nhắn tin chửi B, đồng thời giữa H và B đã xảy ra xô xát với nhau. Khoảng 10 giờ ngày 17/3/2023 A, C và 02 thanh niên (chưa xác định được nhân thân) đến tại nhà B để hỏi mua hàng tạp hóa, sau đó cùng nhau đi đến phường B, thị xã H. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, B cùng A, C và 02 thanh niên về lại nhà B tại phường A, thị xã H. Khi đến gần cổng siêu thị Coop Mart thì B thấy H đang bán nước bên đường nên dừng ô tô lại. Lúc này, B đi đến gặp H để nói chuyện về việc H cho rằng B có quan hệ tình cảm nam nữ với L. Sau đó, giữa H và B có xảy ra to tiếng với nhau, do ở nơi đông người nên B nói với H đi về nhà để nói chuyện nhưng do L đi vắng và ở nhà không có ai nên H không đồng ý. Sau đó, B nói H đi về nhà của B nói chuyện thì H đồng ý. Lúc này, A, C và 02 thanh niên lên xe ô tô, H và B lên sau rồi cùng đi về nhà B tại phường A, thị xã H. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi đến nhà B dẫn H vào phòng khách và tiếp tục nói chuyện về việc H nghi ngờ B và L có quan hệ tình cảm nam nữ với nhau. Trong lúc nói chuyện B có chửi bới, dùng tay túm tóc và tát vào mặt của H khoảng 4-5 cái, B dùng chai nước và mũ cối ném vào người H. Bị đánh nên H nhiều lần yêu cầu cho H về nhưng B nói phải xin lỗi thì mới đồng ý cho H về. Lúc này, B nhớ đến việc H và L còn nợ mình 150 triệu đồng nên B yêu cầu H trả số tiền nợ, đồng thời nói H gọi điện cho L yêu cầu phải trả hết số tiền này cho B. H lấy điện thoại của mình gọi cho L nói trả nợ cho B. Đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, L đến ngân hàng TMCP N thị xã H chuyển vào số tài khoản của B số tiền 150 triệu đồng. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, sau khi H xin lỗi và nhận được tiền thì B cho H về.
Tại Bản kết luận giám định pháp y ngày 23/4/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh K, kết luận: H bị nhiều chấn thương phần mềm vùng đầu, cổ, cổ tay trái. Các chấn thương phần mềm không để lại di chứng, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%.
Trong quá trình nghiên cứu giải quyết vụ án này về cơ bản các ý kiến đều thống nhất xác định: Hành vi của B dùng tay tát vào mặt và dùng chai nước, mũ cối ném vào người H nhưng không gây thương tích nên hành vi này phải bị xử lý hành chính. Đối với A, C và 02 thanh niên đi cùng B không xác định được nhân thân và theo khai nhận của B thì B và các đối tượng trên không có thỏa thuận, bàn bạc gì và không tham gia việc giữ H tại nhà B nên không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự là phù hợp. Tuy nhiên, đối với B hiện vẫn còn có 02 quan điểm khác nhau về việc xác định B đã phạm 01 tội hay 02 tội, đó là: “Giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 BLHS và tội: “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS.
Sau khi phân tích về các tình tiết của vụ án tác giả đưa ra quan điểm của tác giả rằng phải truy tố, xét xử Nguyễn B về 02 tội, cụ thể: Tội: “Giữ người trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 157 BLHS và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS.
Theo quan điểm của tôi, B có hành vi giữ H tại nhà B ở phường A, thị xã H trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 16 giờ, ngày 17/3/2023, H đòi về nhưng B không cho, B bắt H xin lỗi mới cho về. Hành vi của B đã cấu thành tội “Giữ người trái pháp luật”. Bởi lẽ B đã tiến hành khống chế trái phép H tại nhà, không cho H di chuyển khỏi sự kiểm soát của mình trong một khoảng thời gian nhất định, hành vi của B xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật tôn trọng bảo vệ. Thời điểm H yêu cầu về nhưng B không cho thì tội phạm đã hoàn thành.
Tuy nhiên để xác định B có phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” hay không còn nhiều tình tiết trong vụ án cần làm rõ. Để lập luận cho quan điểm của mình, tôi xin trình bày như sau: Vụ án này còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, nhất là B có đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của H nhằm chiếm đoạt tài sản hay không?, khi B đòi tiền H có lâm vào tình trạng không thể chống cự được hay không?. Vì trên thực tế, vợ chồng H và L có nợ B số tiền 150.000.000 đồng, thời điểm B nhớ đến số tiền nợ và đòi nợ B không còn đánh đập hay uy hiếp tính thần H, theo dữ liệu tác giả đưa ra B chỉ nói H gọi điện nói L trả nợ cho mình. Đối với việc B giữ H lại nhằm mục đích yêu cầu H xin lỗi vì nhắn tin chửi, do nghi ngờ B có quan hệ tình cảm với L (Chồng H). Mặt khác L chuyển tiền cho B với mục đích trả nợ. Như vậy đối với hành vi đòi nợ 150.000.000 đồng của B chưa đủ yêu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Trên đây là quan điểm của cá nhân, trao đổi về bài viết. Rất mong nhận được các ý kiến tranh luận của quý độc giả./.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?