Trao đổi về bài viết “Áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” khi người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào cho đúng?”
Cập nhật lúc: 08:03 21/07/2025
Vừa qua, bài viết “Áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” khi người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào cho đúng?” của tác giả Thu Huyền – Thùy Dung đã nêu ra vấn đề liên quan đến việc áp dụng tình tiết tăng nặng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Người viết xin đưa ra quan điểm để trao đổi như sau:
Trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) – “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” – đối với chính người phạm tội chưa thành niên đang gây ra nhiều tranh luận, cả về mặt pháp lý lẫn định hướng chính sách hình sự.
1. Quan điểm về việc không nên áp dụng tình tiết tăng nặng với người chưa đủ 18 tuổi
Theo quan điểm của người viết, không nên áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người chưa thành niên. Lý do căn bản là vì chính người dưới 18 tuổi đã là đối tượng cần được pháp luật hình sự ưu tiên giáo dục và phục hồi hơn là trừng phạt. Trước đây, Điều 91 BLHS đã thể hiện rõ nguyên tắc này khi quy định:
“Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Khi có Luật Tư pháp người chưa thành niên, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định rõ ràng và cụ thể hơn bằng 16 Điều (từ Điều 5 đến Điều 20 của Chương I Luật này)
Việc xử lý phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Trên thực tế, hành vi “xúi giục” giữa các cá nhân chưa đủ 18 tuổi nhiều khi không thể hiện sự thao túng có ý thức hay khả năng định hướng hành vi như ở người trưởng thành, mà chỉ mang tính chất nhất thời, bộc phát hoặc chịu ảnh hưởng nhóm. Nếu áp dụng tình tiết tăng nặng này một cách máy móc đối với người chưa thành niên, mục tiêu “giáo dục” được thể hiện trong Luật Tư pháp người chưa thành niên có thể bị vô hiệu hóa, và thay vào đó là tâm lý gán ghép trách nhiệm vượt quá khả năng nhận thức thực tế của người phạm tội.
2. Sự chưa thống nhất trong thực tiễn và hướng hiểu của cơ quan tiến hành tố tụng
Theo thông tin được dẫn lại từ bài viết trên Báo Pháp Luật TP.HCM* thì theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và tinh thần của Công văn số 16/1999/KHXX ngày 1-2-1999 của TAND Tối cao cho thấy quan điểm BLHS không loại trừ trường hợp người xúi giục là người dưới 18 tuổi nên vẫn có thể áp dụng tình tiết này đối với họ. Cách hiểu này theo người viết chưa thật sự phù hợp với chính sách hình sự đặc thù dành cho người chưa thành niên. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Luật tư pháp người chưa thành niên đã có hiệu lực pháp luật và càng ưu tiên áp dụng các chế tài có lợi, mang tính giáo dục, cải tạo đối với nhóm đối tượng phạm tội đặc biệt này.
Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng: cùng một hành vi nhưng có trường hợp tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng, có nơi lại không. Mặt khác, cách hiểu nêu trên đang mâu thuẫn với nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội tại Chương I của Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đồng thời, cũng mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 128 của Luật Tư pháp người chưa thành về các vấn đề cần chứng minh khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội là cần làm rõ “có hay không có người thành niên xúi giục”
3. Kiến nghị sửa đổi
Để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch và đồng bộ trong áp dụng pháp luật, đồng thời tránh nguy cơ mâu thuẫn với Luật Tư pháp người chưa thành niên, người viết đề xuất sửa đổi điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS theo hướng:
“Người từ đủ 18 tuổi trở lên xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Việc sửa đổi này không chỉ góp phần làm rõ giới hạn chủ thể áp dụng tình tiết tăng nặng, mà còn củng cố nguyên tắc xử lý vị thành niên theo hướng lấy giáo dục làm trung tâm, như luật định.
Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết. Rất mong nhận được sự trao đổi từ quý đồng nghiệp và bạn đọc.
Các tin khác
- Một số điểm mới tại Thông tư liên tịch số 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/01/2023 về thi hành án hình sự tại cộng đồng.
- Áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” khi người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào cho đúng?
- Bàn về quy định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ