Trao đổi về bài viết: Xác định quan hệ pháp luật giải quyết vụ án “Ly hôn” hay vụ án “Không công nhận vợ chồng”

Cập nhật lúc: 11:39 05/01/2021

Hiện nay trên thực tiễn xét xử các vụ án về hôn nhân và gia đình có nhiều thẩm phán khi thụ lý, giải quyết đối với trường hợp nam, nữ chung sống không có có đăng ký kết hôn đều xác định quan hệ pháp luật giải quyết là “Yêu cầu không công nhận vợ chồng” hoặc “Tranh chấp về không công nhận vợ chồng, chia tài sản chung và con chung”. Thậm chí có những trường hợp nam, nữ chung sống không có đăng ký kết hôn khi một bên có đơn xin ly hôn, chia tài sản chung, nuôi con chung nhưng cán bộ thụ lý không nhận đơn và hướng dẫn đương sự làm đơn “Yêu cầu không công nhận vợ chồng, chia tài sản chung và nuôi con” mới thụ lý.

Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của tác giả Nguyễn Thế Dương và Vũ Văn Hoàng là không có quan hệ pháp luật “Yêu cầu không công nhận vợ chồng”, bởi các lẽ sau:

Thứ nhất: Việc nam, nữ chung sống với nhau muốn được pháp luật công nhận là vợ chồng và có các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng thì một trong các yêu cầu phải có là thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nam, nữ chung sống với nhau không có đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Đây là hậu quả của việc nam, nữ chung sống không tuân thủ quy định của Pháp luật Hôn nhân và gia đình về hình thức kết hôn, chứ không phải là một sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một quan hệ pháp luật hôn nhân, gia đình. Đã không được pháp luật công nhận là vợ chồng thì cần gì phải yêu cầu Toà án không công nhận là vợ chồng?!

Thứ hai: Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhận và gia đình năm 2014: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng…”. Như vậy, khi một bên hoặc cả hai bên nam, nữ chung sống không có đăng ký kết hôn muốn chấm dứt quan hệ chung sống hoặc chia tài sản chung, giải quyết việc nuôi con chung thì phải làm đơn xin ly hôn, chia tài sản chung, giải quyết việc nuôi con thì Toà án sẽ thụ lý vụ án “Tranh chấp xin ly hôn, tài sản chung, nuôi con”. Trong quá trình giải quyết, xét xử Toà án thấy người nam và người nữ chung sống mà không có đăng ký kết hôn thì Toà án sẽ bằng Bản án tuyên bố người nam và người nữ không phải là vợ chồng đồng thời giải quyết về tài sản, con chung theo quy định tại điều 15, 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ ba: Việc nam, nữ chung sống như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn hoàn toàn khác với trường hợp kết hôn trái pháp luật. Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp này những người theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quyền yêu cầu Toà án huỷ kết hôn trái pháp luật.

Nguyễn Văn Chung         

Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.