Trao đổi về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam bị cáo của Chánh án, Phó Chánh án trong giai đoạn xét xử vụ án Hình sự sơ thẩm
Cập nhật lúc: 18:33 11/05/2018
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2018 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong việc giải quyết các vụ án hình sự sơ thẩm, trong đó có biện pháp bắt, tạm giam bị cáo trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Khoản 1 Điều 113 quy định: “1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
…
c, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.”
Khoản 1 Điều 278: “1. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án quyết định.”
Thực tế hiện nay có một số Tòa án khi bị cáo vắng mặt tại phiên tòa hình sự sơ thẩm không có lý do, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Sau đó, Chánh án hoặc Phó Chánh án ra quyết định bắt, tạm giam đối với bị cáo vắng mặt để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án và thời hạn tạm giam được tính từ ngày bắt để tạm giam đến khi kết thúc phiên tòa.
Đối với hành vi tố tụng ra quyết định bắt, tạm giam nêu trên của Chánh án, Phó Chánh án nêu trên hiện nay đang còn có các quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm 1: Cho rằng việc Chánh án, Phó Chánh án ra quyết định bắt, tạm giam như vậy là đúng quy tại các Điều 44, Điều 113 và Điều 278 BLTTHS và thời hạn tạm giam từ ngày bắt đến khi kết thúc phiên tòa là đúng quy định.
Quan điểm 2: Cho rằng việc Chánh án, Phó Chánh án ra quyết định bắt, tạm giam là không đúng mà trong trường hợp này thẩm quyền ra quyết định bắt, tạm giam là của Hội đồng xét xử theo quy định tại Điều 113 và thời hạn tạm giam từ ngày bắt đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm là phù hợp với khoản 3 Điều 278.
Đối với 02 quan điểm trên, người viết có một số ý kiến trao đổi như sau:
Tại Điều 290 BLTTHS quy định “1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.”
Theo quy định trên, nếu bị cáo vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử sơ thẩm ra quyết định áp giải bị cáo đến phiên tòa theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 127 BLTTHS. Trong trường hợp không áp giải được mà có căn cứ xác định bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Như vậy, điều luật không quy định Chánh án, Phó Chánh án, Hội đồng xét xử có quyền hạn ra quyết định bắt, tạm giam bị cáo khi bị cáo vắng mặt tại phiên tòa. Hội đồng xét xử chỉ có thể ra quyết định bắt, tạm giam bị cáo sau khi tuyên án theo quy định tại Điều 329 BLTTHS nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
Khoản 2 Điều 278 BLTTHS quy định thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS, do đó thời hạn tạm giam trong quyết định bắt, tạm giam của Chánh án, Phó Chánh án đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm là không đúng quy định. Đối với Hội đồng xét xử chỉ ra lệnh tạm giam với thời hạn cho đến khi kết thúc phiên tòa trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam bị cáo của Chánh án, Phó Chánh án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự sở thẩm để việc áp dụng được thống nhất và đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?