Trao đổi về yếu tố lỗi trong phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
Cập nhật lúc: 16:42 10/02/2020
Trong thực tiễn đời sống, các hành vi vi phạm về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng của mỗi bên vợ, chồng cũng chính là nguồn gốc của sự khủng hoảng, bi kịch trong đời sống hôn nhân, phá vỡ trật tự pháp luật; trực tiếp hoặc có nguy cơ gây ra những thiệt hại nhất định về vật chất, tinh thần và những thiệt hại khác; xâm hại đến quan hệ xã hội mà pháp luật có liên quan xác lập và bảo vệ.
Do vậy, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Thông qua các quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi vi phạm tùy vào từng trường hợp với mức độ hậu quả mà phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng như: Trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, trong pháp luật về hôn nhân và gia đình năm 2014, việc thực hiện các hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến ly hôn thì khi chia tài sản chung sẽ được xem xét như một yếu tố để phân chia phần quyền sở hữu trong khối tài sản chung của vợ chồng. Như vậy, hậu quả pháp lý mà người đã thực hiện hành vi này sẽ phải gánh chịu là được nhận phần tài sản ít hơn. Đây là một quy định mới được bổ sung trong Luật HN&GĐ năm 2014 tại điểm d khoản 2 Điều 59.
Nhìn về các quy định của pháp luật qua các thời kỳ có thể thấy, trong một số các văn bản pháp luật liên quan đến lỗi cũng như các hành vi vi phạm trong lĩnh vực HN&GĐ cũng đã từng được đề cập như: Tại sắc lệnh 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: Tòa án có thể cho phép vợ hoặc chồng ly hôn trong những trường hợp như: Ngoại tình, một bên can án phát giam… hoặc “Trong trường hợp xét xử một bên có lỗi thì Tòa án có thể bắt bên đó bồi thường phí tổn cho bên kia”; tại Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 quy định: “Khi lập ước mà có sự tổn thiệt do sự bóc lột của một bên vì điều kiện kinh tế của hai bên chênh lệch thì khế ước có thể coi là vô hiệu”. Tại Luật HN&GĐ năm 2000 không đề cập đến yếu tố lỗi. Tuy nhiên, để giải quyết nội dung xác định căn cứ cho ly hôn thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 30/12/2000 và hướng dẫn: Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần; vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần; vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình . Như vậy, có thể nhận thấy, các quy định nêu trên cũng chỉ dừng lại ở việc xác định là “Duyên cớ ly hôn” hoặc bồi thường phần phí tổn hay là căn cứ để xác định khế ước vô hiệu.
Đến Luật HN&GĐ năm 2014, ngoài việc quy định các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng làm căn cứ cho ly hôn thì các nhà làm luật đã đưa yếu tố lỗi vào làm căn cứ để xem xét khấu trừ một phần tài sản khi vợ, chồng ly hôn và chia tài sản chung. Để làm rõ hơn nội dung này, tại điểm d khoản 4 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 đã hướng dẫn: Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ, chồng dẫn đến ly hôn. Ví dụ: “Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên”. Quy định này đã bổ sung thêm cho lý thuyết về công sức đóng góp trong khối tài sản chung của vợ chồng về mặt tiêu cực khi khối tài sản chung bị tiêu hao hoặc không bị tiêu hao nhưng do một trong những hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ hoặc chồng dẫn đến người còn lại phải thực sự cố gắng bỏ công sức để nhằm tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên tắc thể hiện sự bình đẳng, bảo đảm sự công bằng, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình.
Các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được quy định từ các Điều 17 đến Điều 23 trong mục 1 Chương III và Điều 29 của Luật HN&GĐ năm 2014. Song, nhìn từ thực tiễn đời sống, các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ, chồng thường để lại hậu quả lớn cho gia đình và cho chính người vợ hoặc người chồng còn lại và là nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn thì có thể nhóm lại thành ba nhóm sau:
Một là: Nhóm hành vi bạo lực gia đình. Trong nhóm hành vi này gồm nhiều loại hành vi khác nhau. Bạo lực thể xác: là những hành vi như đá, đấm, tát... tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân. Kiểu hành vi này hay xảy ra khi hai bên chênh lệch về sức mạnh thể chất như giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái hoặc con cái và cha mẹ già. Bạo lực về tình dục: Ép quan hệ tình dục khi người vợ hoặc chồng không muốn. Bạo lực về tinh thần: Chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài... Ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng…. Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần; tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, hoạt động sản xuất, kinh tế của gia đình. Có nhiều trường hợp làm cho người vợ hoặc chồng bị vi phạm giảm sút và có khi mất khả năng lao động tạo thu nhập …..
Hai là: Ngoại tình. Ngoại tình là một trong những vấn đề rất lớn mà các gia đình ngày nay đang phải đối mặt. Tỷ lệ những người đã có gia đình có quan hệ ngoài hôn nhân ngày một tăng cao, không chỉ ở nam giới mà còn ở cả phụ nữ. Ngoại tình cũng là vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống gia đình. Đối với người vợ hoặc chồng, ngoài sự vất vả đối với việc lo cho cuộc sống gia đình, họ còn thêm gánh nặng của sự suy sụp tinh thần, niềm tin bị phá vỡ. Chưa kể, đối với những người phụ nữ yếu đuối, vết thương tình cảm có thể gây nên những căn bệnh thuộc về tâm lý như bệnh trầm cảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng mà thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho người vợ, nhất là đối với những người vợ đang mang thai hoặc mới sinh con. Gây hậu quả lớn đến tâm lý và sự phát triển của con cái. Chúng sẽ trở nên chán nản, ấm ức hậm hực với bố mẹ, có những hành động chống lại bố mẹ, đây thực chất là phản ứng để đòi hỏi sự chân thành và mong muốn một cuộc sống hạnh phúc như trước kia. Nhưng trong độ tuổi chưa đủ lớn để hiểu biết, chúng chỉ có thể hành động theo cảm tính, nhẹ thì lầm lì ít nói, nặng hơn thì chán đời bỏ học, hơn nữa thì bỏ cả nhà để đi theo bạn bè xấu, nhằm giải tỏa những cảm xúc tồi tệ bị ảnh hưởng bởi việc ngoại tình của bố hoặc mẹ. Vết thương tâm lý này sẽ theo những đứa con này đến suốt cuộc đời và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cuộc sống sau này.
Ba là: Nhóm hành vi phá tán tài sản. Những hành vi đó có thể là: Cố ý trực tiếp làm hư hỏng hoặc làm mất tài sản chung (Đốt nhà, đập phá đồ đạc…); cố ý phá tán tài sản hoặc gây nợ nần do cờ bạc, rượu chè, hút sách… Những hành vi này làm ảnh hưởng lớn đến việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người còn lại phải thực hiện việc sửa chữa, tu bổ, tạo mới hoặc phải cố gắng để giữ gìn, duy trì các khối tài sản này nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra do hành vi phá tán của người vợ hoặc chồng gây ra.
Như vậy, trường hợp người vợ hoặc chồng thực hiện một trong các hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến ly hôn thì khi chia tài sản chung cần phải được xác định: Nguyên tắc phân chia phần quyền sở hữu của vợ chồng trong khối tài sản chung khi ly hôn vẫn là thực hiện nguyên tắc chia đôi. Sau đó, dựa trên phần lỗi của mỗi bên để xác định phần quyền bị khấu trừ. Việc khấu trừ một phần quyền sở hữu của vợ, chồng trong khối tài sản chung trong trường hợp tài sản bị phá tán cần được xem xét về giá trị phần tài sản bị phá tán. Đối với các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình, ngoại tình cần xem xét dựa trên mức độ ảnh hưởng của hành vi đến khả năng lao động, khả năng ảnh hưởng về mặt tinh thần, đời sống chung của gia đình… Có thể nói, việc khấu trừ một phần tài sản được xem như một chế tài, nghĩa vụ bồi thường khi có hành vi vi phạm xảy ra và gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản....
Tuy nhiên, để áp dụng yếu tố lỗi vào việc giải quyết các vụ án còn đang là một nội dung hết sức khó khăn.
Trước hết, về quy định hành vi bạo lực gia đình: Các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở. Như vậy, hành vi bạo lực gia đình và phá tán tài sản được nêu tại điểm d khoản 4 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 thì đều là các hành vi là bạo lực gia đình được quy định tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Các quy định này cho thấy sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan.
Mặt khác, các quy định của pháp luật HN&GĐ nêu trên còn chung chung, thiếu cụ thể, không nêu rõ được các tiêu chí nhận diện lỗi, lỗi nào là lỗi có thể được xem xét để khấu trừ một phần tài sản khi chia và cách thức để khấu trừ trong khối tài sản chung như thế nào? … Do đó, trong quá trình giải quyết các vụ án, Tòa án các cấp khi áp dụng pháp luật vào giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn còn gặp nhiều lúng túng khi phân chia và nhiều trường hợp còn chưa mạnh dạn để áp dụng.
Qua việc phân tích như trên, thiết nghĩ, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề lỗi để Tòa án các cấp giải quyết các yêu cầu về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được toàn diện, triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Người viết: Trương Thị Đông, Nguyễn Thị Hải An (Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?