Trao đổi nghiệp vụ về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ khi giải quyết tranh chấp vụ án hôn nhân và gia đình trong trường hợp bị đơn đang chấp hành án phạt tù.
Cập nhật lúc: 08:37 13/09/2021
Việc xác định đúng thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng, tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền giữa các Toà án cùng cấp, góp phần làm cho Tòa án giải quyết đúng đắn, có hiệu quả. Đồng thời tạo điều kiện cho các Thẩm phán tích lũy kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án.
Ảnh minh họa
Trong thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình, một số trường hợp sau khi Tòa án thụ lý mới phát hiện không thuộc thẩm quyền nên đã chuyển cho Tòa án khác thụ lý, giải quyết. Tuy nhiên, trong việc hiểu và áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự còn nhiều ý kiến khác nhau.
Do Trại giam Đắk T có trụ sở tại thôn 1, xã E, huyện M, tỉnh Đắk Lắk nên quá trình giải quyết, Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Đắk Lắk nhận được một số hồ sơ do các Tòa án khác chuyển đến để thụ lý, giải quyết.
Ví dụ: Chị Trần Thị C làm đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đối với bị đơn anh Y T Niê, sinh năm 1992, có địa chỉ thường trú tại số nhà 156, đường P, tổ dân phố 6, thị trấn K, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi thụ lý vụ án trên, quá trình xác minh Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk xác định bị đơn anh Y T Niê đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Đắk T, huyện M, tỉnh Đắk Lắk với mức hình phạt 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự để ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án nêu trên đến Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Đắk Lắk để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền vì cho rằng: Bị đơn anh Y T Niê đang chấp hành án phạt tù 05 năm nên tại quyết định chuyển hồ sơ vụ án xác định Trại giam Đắk T là nơi cư trú của bị đơn anh Y T Niê và thẩm quyền giải quyết vụ án trên thuộc Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Đắk Lắk.
Với quyết định chuyển vụ án nêu trên của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk có nhiều ý kiến khác nhau:
Ý kiến thứ nhất: Việc Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Đắk Lắk để thụ lý, giải quyết vụ án là đúng bởi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự: “1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013: “2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”. Do bị đơn anh Y T Niê đang chấp hành án phạt tù với thời gian 05 năm tại Trại giam Đắk T nên Trại giam Đắk T thuộc huyện M được coi là nơi bị đơn anh Y T Niê đang sinh sống và cư trú. Do đó, Tòa án nhân dân huyện M có thẩm quyền giải quyết vụ án.
Ý kiến thứ hai: Việc Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Đắk Lắk để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền đối với vụ án trên là không đúng vì Trại giam Đắk T không phải là nơi bị đơn anh Y T Niê sinh sống đồng thời cũng không phải là nơi bị đơn anh Y T Niê cư trú.
Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của người viết, bởi vì bị đơn anh Y T Niê có địa chỉ thường trú tại số nhà 156, đường P, tổ dân phố 6, thị trấn K, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Chị Trần Thị C làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk nơi bị đơn anh Y T Niê đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú trước khi đi chấp hành án phạt tù tại Trại giam Đắk T. Mặt khác, Trại giam Đắk T, huyện M chỉ là nơi anh Y T Niê chấp hành án phạt tù, không được hiểu là nơi mà bị đơn đang sinh sống, làm việc, cũng không phải là nơi bị đơn anh Y T Niê thường trú hay tạm trú mà địa chỉ thường trú của bị đơn anh Y T Niê vẫn được xác định là số nhà 156, đường P, tổ dân phố 6, thị trấn K, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, việc Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân huyện M, tỉnh Đắk Lắk để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền là không đúng.
Trên đây là ý kiến về vấn đề thực tiễn liên quan đến xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ khi giải quyết tranh chấp vụ án hôn nhân và gia đình trong trường hợp bị đơn đang chấp hành án phạt tù. Rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc đóng góp ý kiến.
Phạm Đức – Phi Long
TAND huyện M’Đrắk
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?
- Vướng mắc trong việc xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả.