Trong vụ án hình sự, người đại diện cho bị cáo là người dưới 18 tuổi tham gia phiên toà với tư cách tố tụng là gì ?

Cập nhật lúc: 22:16 31/01/2022

Người chưa thành niên được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.

Tại Điều 91 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định chi tiết, cụ thể những Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tại Điều 414 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định đầy đủ, toàn diện 07 nguyên tắc mà cơ quan, người tiến hành tố tụng phải quán triệt, tôn trọng và nghiêm túc thực hiện khi tiến hành tố tụng đối với những vụ án liên quan người chưa thành niên, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên trong tố tụng hình sự.

Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi thì phải đảm bảo quyền tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, Đoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt. Họ phải được bảo đảm có quyền được bào chữa, được trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, qua các văn bản pháp luật hình sự hiện hành, chưa có văn bản chính thống nào quy định cụ thể, rõ ràng tư cách, tên gọi của người đại diện của bị cáo là người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự là gì. Do đó, trên thực tế việc sử dụng tên gọi về đối tượng này vẫn chưa có sự thống nhất.

Quan điểm thứ nhất, người đại diện của người dưới 18 tuổi được gọi là người đại diện hợp pháp của bị cáo. Tên gọi này bắt nguồn từ một số thuật ngữ quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2004, cụ thể tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2004 có ghi “...Người đại diện hợp pháp...” hay tại điểm b khoản 1  Điều 56 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2004 ghi “...Người đại diện hợp pháp...”. Việc quy định như vậy đến nay vẫn được nhiều người sử dụng như một thói quen, mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật.

Quan điểm thứ hai, người đại diện của người dưới 18 tuổi được gọi là người đại diện theo pháp luật của bị cáo. Tuy nhiên cả Bộ luật tố tụng hình sự năm 2004 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đều không quy định, không sử dụng thuật ngữ này. Tại khoản 20 Điều 55 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có sử dụng thuật ngữ “ ..., Người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.” hoặc tại điểm b khoản 2 Điều 84 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 “...Người đại diện”. Tại Điều 136 của Bộ luật dân sự hiện hành quy định “ Người đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên...”. Như quan điểm thứ nhất, khi Toà án đưa người đại diện của người dưới 18 tuổi vào tham gia trong vụ án với tư cách là người đại diện theo pháp luật của bị cáo cũng không sai, mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định.

Quan điểm thứ ba, người đại diện cho bị cáo là người dưới 18 tuổi được gọi là người giám hộ. Theo quy định tại thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTB&Xh ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (có hiệu lực từ ngày 05/02/2019), “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các Điều 134, 135 và 136 của Bộ luật dân sự”. Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; người giám hộ; người do Tòa án chỉ định.

Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm thứ nhất, người đại diện cho bị cáo là người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự được gọi là người đại diện hợp pháp của bị cáo. Bởi lẽ, người giám hộ là thuật ngữ được sử dụng trong các vụ việc dân sự nếu người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, vì khả năng nhận thức, am hiểu pháp luật của đối tượng  này còn hạn chế, do đó để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng này pháp luật đã quy định cần có người giám hộ để đại diện khi tham gia tố tụng. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người chưa đủ 18 tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật (Cha, mẹ hoặc người thân thích,...) tham gia để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự dưới 18 tuổi trong vụ việc dân sự. Trên thực tế có những bài viết, bài phân tích của những chuyên gia, Thẩm phán, người có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động xét xử vẫn sử dụng tên gọi là “Người đại diện hợp pháp” cho bị cáo theo tên gọi của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2004.

Trên đây là ý kiến liên quan đến tư cách tham gia tố tụng của người đại diện cho bị cáo là người dưới 18 tuổi trong phiên toà hình sự. Rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc đóng góp ý kiến.

Phạm Công Đức-TAND huyện M’Đrắk