Vai trò của tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mê tín, dị đoan

Cập nhật lúc: 15:48 10/01/2018

Mê tín, dị đoan có liên quan đến nhận thức của con người. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về nhiều mặt trong nhân dân là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần bài trừ, loại bỏ tệ nạn xã hội này.

Sự  ổn định xã hội luôn là tiền đề hết sức cần thiết cho sự phát triển tích cực của xã hội. Ngày nay, sự ổn định trật tự xã hội còn là một trong những tiêu chí đánh giá sự văn minh, phát triển của mỗi quốc gia. Để có được an toàn xã hội, trật tự công cộng, môi trường xã hội lành mạnh, đòi hỏi Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện và bảo vệ các quy tắc, trật tự sinh hoạt chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mê tín, dị đoan có liên quan đến nhận thức của con người. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về nhiều mặt trong nhân dân là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần bài trừ, loại bỏ tệ nạn xã hội này.

Nội dung đầu tiên của việc nâng cao kiến thức là bằng mọi biện pháp và hình thức thích hợp tuyên truyền sâu rộng thế giới quan khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tinh thần và nội dung các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách tự do tín ngưỡng, để trang bị cho mọi người cơ sở lí luận và những hiểu biết cần thiết để có thể phân biệt được đúng sai, lợi hại, tránh mọi nhầm lẫn ngộ nhận, không mơ hồ trước những sự xuyên tạc của bọn “buôn thần bán thánh” và mọi luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Cần nhận thức rằng, cuộc đấu tranh nhằm đẩy lùi và tiến tới xoá bỏ tệ nạn mê tín, dị đoan là một bộ phận quan trọng trong cách mạng tư tưởng và văn hoá, gắn chặt với quá trình xây dựng con người mới có khả năng làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân. Song để làm được điều này, chúng ta phải có một quá trình giáo dục công phu với sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ của mỗi ngành, mỗi cấp.

Trong sinh hoạt của các đoàn thể và tổ chức quần chúng từ cấp uỷ, chính quyền các cấp đến Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn…. nội dung bài trừ mê tín dị đoan cần được đề cập thường xuyên. Có như thế, mới tạo nên một lực lượng đông đảo và mạnh mẽ của quần chúng để đẩy lùi tệ nạn này. Nâng cao hiểu biết cho đông đảo quần chúng còn bao gồm việc phổ biến những hiểu biết thường thức về khoa học, giúp họ hiểu rõ mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội đều có nguyên nhân khách quan và đều theo quy luật.

Trong việc truyền bá thế giới quan khoa học, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến những kiến thức khoa học thường thức thì vai trò của các hoạt động tuyên truyền cũng như hệ thống loa truyền thanh, báo chí, vô tuyến truyền hình, các hình thức tuyên truyền cổ động như tranh châm biếm, kịch ngắn, thơ ca,… là rất to lớn vì đây là những hình thức nhẹ nhàng, hấp dẫn, dễ đi vào tâm lí tình cảm, dễ thấm đến đông đảo người nghe…

Tóm lại, giải pháp cơ bản, lâu dài để xoá bỏ mê tín, dị đoan phải xây dựng niềm tin khoa học. Người dân phải được trang bị một cách cơ bản những tri thức khoa học nói chung, nhất là tri thức sinh học, y học... để người ta có thể hiểu được một cách khoa học nguồn gốc, bản chất của sự sống, qui luật sinh tồn của loài người, nguyên nhân của bệnh tật, của những tai biến trong đời sống con người. Ngày nay, khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ, trình độ dân trí được nâng cao rất nhiều, đã có nhiều phát minh khoa học hé mở những vấn đề đã từng được coi là huyền bí, khó hiểu. Tuy nhiên, nhiều vấn đề như niềm tin vào sự tồn tại của chúa trời, thượng đế; nỗi sợ hãi của con người trước đấng siêu nhiên vẫn thôi thúc họ khát vọng tìm kiếm vương quốc của thần thánh, sự tê dại tôn giáo. Những người có tri thức hạn hẹp, thấp kém, mơ hồ dễ bị chi phối bởi niềm tin tôn giáo, của mê tín, dị đoan. Ngược lại, khi có niềm tin khoa học, cán bộ, đảng viên luôn luôn duy trì được tâm thế sống có mục đích, giảm bớt được sự căng thẳng nội tâm, nuôi dưỡng được nghị lực, ý chí trong hành động. Niềm tin dựa vào tri thức khoa học mới có được tình cảm trong sáng và mới trở nên bền vững. Để xây dựng niềm tin khoa học cho cán bộ, đảng viên phải tăng cường bồi dưỡng tri thức khoa học, đồng thời gắn với phát triển năng lực nhận thức lý luận. Để nâng cao dân trí chung, phải có một nền giáo dục phát triển cao, toàn diện, một xã hội học tập, để ai ai cũng được giáo dục và vươn lên trình độ ngày càng cao.

Một giải pháp phòng, ngừa đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan khác cần được kể đến là tăng cường sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của xã hội đối với  các hành vi mê tín, dị đoan. Kinh nghiệm đấu tranh phòng và chống tội phạm cho thấy muốn đạt được hiệu quả cao thì phải biết dựa vào quần chúng nhân dân, phải biết phát huy tính tích cực, chủ động của nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn tội phạm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm: Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết. Các tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý đối với những hành vi mê tín, dị đoan trong xã hội.

Thực tế đã chỉ ra sự kết hợp giữa hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với hành vi mê tín, dị đoan của các cơ quan hành pháp ở trung ương và địa phương với hoạt động điều tra để truy tố, xét xử đối với những tội phạm liên quan đến mê tín, dị đoan có thể từng bước hạn chế tình trạng mê tín, dị đoan trong xã hội. Thêm vào đó, cần huy động sự tham gia rộng rãi và tích cực của nhân dân vào công tác tư pháp, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là của lãnh đạo các cơ quan tư pháp. Giải pháp này có ý nghĩa phát huy tính tích cực xã hội của mọi người, làm dấy lên phong trào quần chúng rộng rãi tham gia vào các hoạt động phòng ngừa và hướng dư luận xã hội vào việc phản đối các hành vi mê tín, dị đoan trong xã hội. Thêm vào đó, cần huy động được sức mạnh của toàn xã hội, của hệ thống chính trị của các cấp, các ngành trong bộ máy Nhà nước và khai thác mọi tiềm năng có sẵn trong xã hội cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có liên quan đến mê tín, dị đoan.

Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền chống lại những hành vi mê tín, dị đoan. Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện cần phải đi trước một bước, phát huy khả năng tối đa của các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền toàn dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa mới trong nhân dân. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tích cực tham gia vào việc phát hiện tội hành nghề mê tín, dị đoan, biểu dương những người đã có những hành động dũng cảm đấu tranh chống tội hành nghề mê tín, dị đoan. Những việc làm này, có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh, phòng ngừa với tội hành nghề mê tín, dị đoan./.

 

Nguyễn Tấn Đức