Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định về xóa án tích
Cập nhật lúc: 17:58 20/03/2020
Việc quy định chế định án tích và xóa án tích trong Bộ luật hình sự thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với người bị kết án. Việc đặt ra chế định xóa án tích nhằm khuyến khích người bị kết án nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để trở thành người có ích cho xã hội.
Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến trường hợp đương nhiên xoá án tích.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới có lợi hơn cho người đã chấp hành xong bản án và người phạm tội mới. Khái niệm xóa án tích được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Bộ luật Hình sự năm 2015 phân chia các trường hợp người được xóa án tích cụ thể như:
“1. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt thì không bị coi là có án tích (Khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự 2015).
2. Đương nhiên xóa án tích”
Đương nhiên được xóa án tích nếu không phạm tội mới được áp dụng đối với người bị kết án nếu không phải về các tội: Xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 70 của Bộ luật này.
- Thời hạn đương nhiên xóa án tích: Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không phạm tội mới trong thời hạn:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo.
+ 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm.
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 05 năm đến 15 năm.
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Nếu người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung (trừ thời hạn đối với hình phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng được giảm án).
- Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn nêu trên.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi thấy việc quy định điều kiện để tính thời hạn xóa án tích là kể từ khi người phạm tội chấp hành xong toàn bộ các quyết định của bản án và không phạm tội mới trong thời hạn như đã nêu cũng nảy sinh vướng mắc đối với trường hợp như sau:
Ví dụ : Ngày 16/01/2020, bị cáo Nguyễn Minh L bị Tòa án nhân dân tỉnh Đ tuyên phạt 20 năm tù về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo cấp dưỡng nuôi con bị hại mỗi tháng 750.000 đồng cho đến khi đủ 18 tuổi, buộc bị cáo cấp dưỡng cho mẹ của bị hại mỗi tháng 500.000 đồng kể từ tháng 8/2019 cho đến khi chết.
Như vậy nếu giữa bị cáo và người đại diện hợp pháp cho bị hại không thỏa thuận được với nhau về việc cấp dưỡng một lần thì bị cáo phải cấp dưỡng hàng tháng, dẫn tới việc bị cáo muốn tự nguyện chấp hành xong toàn bộ các quyết định của Bản án cũng không được và như vậy để được tính thời hạn xóa án tích như trường hợp trên thì bị cáo phải đợi cho đến khi con bị hại đủ 18 tuổi mới được tính thời hạn để xóa án tích, còn đối với trường hợp buộc phải cấp dưỡng nuôi bố mẹ của bị hại thì lại không có thời hạn cụ thể mà nhanh hay chậm là do tuổi thọ của người được cấp dưỡng, có nhiều trường hợp việc cấp dưỡng kéo dài tới hai, ba mươi năm thì người phạm tội vẫn cứ phải mang án tích mà không thể xóa án tích được vì chấp hành xong bản án tức là phải chấp hành xong tất cả các quyết định của Bản án. Đây chính là những bất cập, gây bất lợi cho bị hại, chưa thực sự bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nên chúng ta phải hướng tới những quy định nhân đạo hơn.
Để khắc phục những bất cập trên, đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với những trường hợp này theo hướng sau: Đối với những trường hợp mà Bản án tuyên đối với người phạm tội phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hoặc bố, mẹ của bị hại đã chết, thì thời hạn để xóa án tích đối với họ cũng được tính kể từ khi họ đã chấp hành xong các quyết định chính của Bản án như chấp hành xong thời hạn tù hoặc thời gian thử thách nếu là án treo, các quyết định về bồi thường, án phí…Còn việc cấp dưỡng chỉ coi là nghĩa vụ của họ phải thực hiện và họ phải chấp hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự, chứ không nên quy định như hiện hành, tránh trường hợp người phạm tội cho tới lúc chết vẫn phải mang án tích.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?