Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Cập nhật lúc: 06:34 07/05/2020
Một trong những quyền cơ bản trong tố tụng dân sự là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 , theo đó: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng còn vướng mắc cần được hướng dẫn, trao đổi để giải quyết cụ thể vụ án dân sự cho phù hợp với thực tế và đúng pháp luật.
Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.
1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
Lấy ví dụ cụ thể vụ án dân sự “Kiện đòi tài sản” giữa nguyên đơn: Đỗ Văn N và bị đơn Ngô Thị L và Huỳnh Ngọc Th .
Tóm tắt nội dung vụ án : Vào ngày 17/4/2016, bà Ngô Thị L, ông Huỳnh Ngọc Th đến nhà ông Đỗ Văn N hỏi mua nhà đất tại thôn 6, xã X P, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Hai bên thỏa thuận với nhau giá chuyển nhượng là 600.000.000đ (Sáu trăm triệu đồng), bên mua đặt cọc trước 100.000.000đ, hứa đến ngày 17/5/2016 trả đủ số tiền còn lại là 500.000.000đ, khi bên mua giao đủ tiền thì bên bán phải làm các giấy tờ để bên mua làm thủ tục trước bạ sang tên. Hai bên có lập với nhau 01 giấy viết tay, có sự chứng kiến của ông Hồ Viết Ng và bên mua đã giao tiền đặt cọc là 100.000.000đ đúng như thỏa thuận.
Đến ngày 19/5/2016, tại nhà ông N, với sự chứng kiến của ông Nguyễn Bá Q, ông Phạm Văn H, ông Trần Văn H, vợ chồng ông Đ (không biết rõ họ tên), và vợ chồng bà Phạm Thị X, ông Đỗ Văn C bên mua đã giao cho bên bán ông N 400.000.000đ, xin nợ lại 100.000.000đ, nhưng yêu cầu ông N đưa các thủ tục, giấy tờ để vợ chồng bà L đi làm thủ tục trước bạ sang tên, sau khi có bìa đỏ sẽ thế chấp Ngân hàng trả cho ông N số tiền còn nợ lại thì ban đầu tôi không đồng ý nhưng có sự động viên của ông H và ông Q thì tôi đồng ý cho bà L, ông Th nợ 100.000.000 đồng và giao các giấy tờ làm thủ tục chuyển nhượng trước.
Sau đó, bà X (con ông N) đã viết giấy tay với nội dung bên mua đã nhận đủ 500.000.000đ (gồm 100.000.000đ tiền cọc và 400.000.000đ). Và tôi yêu cầu vợ chồng bà L viết giấy nhận nợ 100.000.000đ, thỏa thuận đến ngày 19/7/2016 sẽ trả đủ số tiền 100.000.000đ còn nợ lại, bên dưới phần người viết giấy nợ có chữ ký, chữ viết của vợ chồng bà L.
Đến ngày 19/7/2016, vợ chồng bà L không trả như thỏa thuận, sau đó bà L có trả cho 02 lần 01 lần 10.000.000đ và 01 lần 20.000.000đ còn nợ lại 70.000.000đ. Hiện nay, nhà và đất đã được trước bạ sang tên cho vợ chồng bà L.
Do đó, ông Đỗ Văn N khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà Ngô Thị L và ông Huỳnh Ngọc Th trả cho ông Đỗ Văn N số tiền còn nợ là 70.000.000đ và tiền lãi phát sinh theo quy định của pháp luật từ ngày 20/5/2016 cho đến khi xét xử sơ thẩm vụ án. Ngoài ra, không có yêu cầu gì khác.
Tại bản án dân sự sơ thẩm 49/2019/DS-ST ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện E, tỉnh Đ đã quyết định:
Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 280, Điều 353, Điều 357, Điều 440, Khoản 1 Điều 357, Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015; Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Văn N.
Buộc bị đơn ông Huỳnh Ngọc Th và bà Ngô Thị L phải trả cho nguyên đơn ông Đỗ Văn N tổng số tiền là 95. 312.233 đồng (Chín mươi lăm triệu ba trăm mười hai ngàn hai trăm ba mươi ba đồng). Trong đó: tiền mua đất còn nợ lại là 70.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 19/5/2016 đến ngày 16/12/2019 là 25.312.233 đồng.
2. Về án phí: Căn cứ Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Bị đơn ông Huỳnh Ngọc Th và bà Ngô Thị L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 4.765.611 đồng ( Bốn triệu bảy trăm sáu mươi lăm ngàn sáu trăm mười một đồng).
Ông Đỗ Văn N được miễn nộp tiền tạm ứng án phí .
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 30/12/2019, nguyên đơn ông Đỗ Văn N kháng cáo với nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án để hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm 49/2019/DS-ST ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện E.
Đơn kháng cáo của nguyên đơn làm trong hạn luật định, đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện và rút đơn kháng cáo.
Bị đơn không kháng cáo và đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng.
Như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xử lý vụ án này như thế nào cho đúng pháp luật?.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện và rút đơn kháng cáo. Bị đơn không kháng cáo và đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do nên bị đơn đã từ bỏ quyền của mình nên xem như bị đơn đồng ý việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
Qua điểm thứ hai cho rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện và rút đơn kháng cáo. Bị đơn không kháng cáo và đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không ghi nhận được ý kiến của bị đơn thì xem như bị đơn không đồng ý việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo thủ tục xét xử phúc thẩm.
Theo quan điểm thứ nhất thì xét thấy: Trong vụ án này Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đỗ Văn N, buộc bị đơn ông Huỳnh Ngọc Th và bà Ngô Thị L phải trả cho nguyên đơn ông Đỗ Văn N tổng số tiền là 95. 312.233 đồng (Chín mươi lăm triệu ba trăm mười hai ngàn hai trăm ba mươi ba đồng). Trong đó: Tiền mua đất còn nợ lại là 70.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 19/5/2016 đến ngày 16/12/2019 là 25.312.233 đồng và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 4.765.611 đồng ( Bốn triệu bảy trăm sáu mươi lăm ngàn sáu trăm mười một đồng).
Như vậy, thực tế nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì bị đơn không phải trả (Thanh toán) tiền cho nguyên đơn mà trong trường hợp này, bị đơn vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm . Mặc khác, theo quy định khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định như vậy có thể bị đơn phải chịu thêm một lần án phí dân sự sơ thẩm nữa khi nguyên đơn khởi kiện lại vụ án. Nếu tuyên bị đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên thì trái với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 299 BLTTDS.
Theo quan điểm thứ hai thì xét thấy: Bị đơn không chấp hành triệu tập của Tòa án là không hợp tác với Tòa án, từ bỏ quyền lợi của mình tại Tòa án; nguyên đơn rút đơn khởi kiện mà hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn là chưa thuyết phục, thiếu căn cứ pháp luật .
Trên đây là vướng mắc trong thực tế áp dụng giải quyết vụ án dân sự của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Mong nhận được ý kiến giải đáp, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Văn Công Dần.
Tòa án nhân dân tỉnh Đắklắk
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?