VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Cập nhật lúc: 10:27 12/08/2024
Để thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người được thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thì Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp bảo đảm, thực hiện kê biên tài sản đảm bảo thi hành án. Trong quá trình thực hiện quy định này, việc xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án là công việc hết sức quan trọng, đặc biệt là khi tài sản của người phải thi hành án nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng hoặc hộ gia đình.
Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định cách thức xác định, phân chia tài sản chung để thi hành án như sau:
“Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Tuy nhiên, tại điểm c khoản 2 Điều Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (viết tắt là Nghị định số 62/2015), hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 74 Luật THADS lại quy định:
… c) “Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”…
Theo quy định trên thì Chấp hành viên tiến hành tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình; nếu vợ chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình không đồng ý với việc phân chia của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa phân chia tài sản chung; hết thời hạn mà họ không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo sự phân chia của Chấp hành viên.
Như vậy, quy định tại điểm c khoản 2 Điều Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 74 Luật THADS có những điểm chưa đồng bộ, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này dẫn tới việc khi Chấp hành viên có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc của hộ gia đình của người phải thi hành án thì có Toà án căn cứ Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để thụ lý đơn khởi kiện, tuy nhiên cũng có Toà án lại căn cứ Điểm b, c khoản 2 Điều 24 của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thi hành án dân sự để trả lại đơn khởi kiện vì người khởi kiện chưa đủ điều kiện khởi kiện và không có quyền khởi kiện theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trong trường hợp này, theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì cần áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn là Luật Thi hành án dân sự.
Mặt khác, tại Thông báo số 256/TB - BTP ngày 28/01/2021 của Bộ tư pháp Thông báo kết quả cuộc họp liên ngành Trung ương giữa Bộ tư pháp,Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết một số vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự có nội dung sau:
“Cuộc họp thống nhất, về nguyên tắc phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS. Đồng thời, để thực hiện được, Bộ Tư pháp có văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ vướng mắc trên để đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất đối với các Tòa án nhân dân địa phương thực hiện”
Mặc dù hiện nay TANDTC chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này, tuy nhiên như căn cứ đã viện dẫn ở trên, quan điểm của tác giả cần áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để xác định điều kiện khởi kiện của Chấp hành viên. Trường hợp Chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ các quy định theo khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để nhận đơn khởi kiện và tiến hành thụ lý vụ án.
Trên đây là ý kiến của tác giả về việc thực hiện khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi từ các đồng nghiệp./
Văn Công Dần – Nguyễn Ngọc Sâm
Lê Thị Hương Giang
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?
- Vướng mắc trong việc xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả.