Vướng mắc trong việc xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả.

Cập nhật lúc: 04:45 12/12/2023

Hiện nay việc sử dụng Giấy phép lái xe giả để lưu thông và xuất trình khi bị cơ quan công an kiểm tra vẫn diễn ra ở nhiều địa phương; thực tiễn xử lý hành vi này vẫn có nhiều quan điểm chưa thống nhất. Có địa phương thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính, có địa phương thì xét xử hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Trong phạm vi bài viết này không đề cập đến hành vi trực tiếp làm giả Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe giả để sử dụng vào mục đích phạm tội như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…mà chỉ nêu một số vấn đề còn vướng mắc trong việc xử lý hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng Giấy phép lái xe giả để lưu thông.

Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a)…b) Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả”.

Điểm, khoản này quy định về hành vi “Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả” chỉ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Việc thực hiện hành vi này mặc dù đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu nhưng không thỏa mãn điều kiện có thực hiện hành trái pháp luật, thì không xem xét đề cập xử lý hình sự.

Tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm, nếu vi phạm một trong các hành vi: 

- Có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với các loại xe đang điều khiển hay có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ thời điểm 03 tháng trở lên;

- Không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hay sử dụng giấy phép lái xe bị tẩy xoá;…”

Theo quy định này thì người điều khiển xe ô tô, xe máy kéo nếu sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

 

Theo quy định tại Bộ luật hình sự quy định Điều 341- Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định:

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

……”

- Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các con dấu, giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác bằng khắc, in, vẽ, đúc hoặc các kỹ thuật khác để làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định.

- Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được hiểu là việc dùng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Do đó, nếu hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới coi là tội phạm theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Đối chiếu với quy định trên thì hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả để lưu thông có cấu thành tội phạm theo quy định Điều 341 Bộ luật hình sự không? Cụ thể về hành vi đặt mua, cung cấp thông tin hình ảnh để đặt làm giấy phép lái xe giả, cũng như việc xuất trình giấy phép lái xe giả khi lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ có phải là hành vi trái pháp luật hay không? Hay chỉ vi phạm pháp luật hành chính?

Qua nghiên cứu các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thì hiện nay 03 ngành công an, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả để lưu thông thì xem xét xử lý hình sự hay chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Tham khảo các bản án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án thì nhận thấy có một số Tòa án địa phương đã xét xử hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả khi lưu thông về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự thì “2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Do đó, theo quan điểm của tác giả, hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả để lưu thông có dấu hiệu của tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” nhưng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên không cấu thành tội phạm mà chỉ thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính.

Bài viết trên là quan điểm cá nhân nên bản thân xin được trao đổi với các đồng nghiệp. Mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn xét xử đối với hành vi sử dụng trái phép lái xe giả để lưu thông tại các Tòa án địa phương vẫn còn nhiều cách hiểu, vướng mắc và xử lý giải quyết khác nhau. Để tránh xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc hình sự hóa các vi phạm hành chính, bản thân kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với hành vi trên để việc áp dụng pháp luật có tính thống nhất cao, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.

Đỗ Tha – Thiên Lý – Huyền Diệu