Vướng mắc về thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm trong vụ án hình sự giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Cập nhật lúc: 15:33 24/08/2020

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể thẩm quyền ra quyết định tạm giam sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm đối với vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn nên việc áp dụng chưa thống nhất. Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thẩm phán chủ tọa phiên toà xét xử theo thủ tục rút gọn có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm. Bởi vì: Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật tố tụng hình sự thì phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành và theo Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự thì trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.

Do đó, trong trường hợp này, Hội đồng xét xử do một Thẩm phán tiến hành thì Thẩm phán đó có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm. Bản thân người viết đồng tình với quan điểm này, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn quy định: “Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Bộ luật này” mà theo Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế thì sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định.

Thứ hai, khoản 1 Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo. Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự thì “Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm”. Như vậy Hội đồng xét xử là do tập thể và ít nhất là ba người, còn phiên toà xét xử theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành nên không được xem là Hội đồng xét xử. Mặt khác theo biểu mẫu số 07-HS ban hành kèm theo nghị quyết số 05/2017/HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì việc ra quyết định tạm giam phải căn cứ vào biên bản nghị án của Hội đồng xét xử.Tuy nhiên, vụ án hình sự được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành và không tiến hành nghị án. Do đó, Thẩm phán không có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Trên đây là vướng mắc về Thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm trong vụ án hình sự giải quyết theo thủ tục rút gọn. Rất mong nhận được sự trao đổi các đồng chí để nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất.

Nguyễn Văn Anh-TAND thị xã Buôn Hồ