Vướng mắc về việc giải quyết yêu cầu xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án trong trường hợp người yêu cầu là Chấp hành viên

Cập nhật lúc: 07:58 28/03/2017

Tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:

“Điều 74. Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án

1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Toà án.

Theo khoản 9 Điều 27 BLTTDS 2015 thì: “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật Thi hành án dân sự”. Tuy nhiên, thực tế áp dụng vào công tác giải quyết, xét xử của Toà án còn gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Chấp hành viên là người không bị xâm phạm về quyền, lợi ích hợp pháp cũng như việc khởi kiện của Chấp hành viên không nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước,... mà việc khởi kiện này chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án. Như vậy, không thể xác định Chấp hành viên là nguyên đơn hay người yêu cầu theo quy định tại khoản 2, 5 Điều 68 BLTTDS được, do Chấp hành viên là người yêu cầu nên cũng không thể xác định Chấp hành viên là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 4, 6 Điều 68 BLTTDS.

Thứ hai: Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là khó khả thi, vì không thể đưa ra được những chứng cứ chứng minh phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Trong khi người phải thi hành án luôn có tư tưởng và hành vi chống đối việc thi hành án. Như vậy sẽ dẫn đến vụ án kéo dài, đồng thời với việc kéo dài việc thi hành án.

Mặc dù pháp luật quy định Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhằm đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án. Tuy nhiên, cần phải có hướng dẫn cụ thể về tư cách khi tham gia tố tụng, về trình tự, thủ tục cụ thể để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Nguyễn Thị Khánh Chi