Vướng mắc về xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của hợp đồng thế chấp

Cập nhật lúc: 16:51 28/09/2021

Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, thì việc xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội là tài sản bảo đảm của hợp đồng thế chấp vẫn còn có những quan điểm khác nhau và cần có hướng dẫn để thống nhất áp dụng, tránh sự lúng túng, áp dụng pháp luật không đúng cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”

Khi vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội (Ví dụ như xe máy, máy tính, điện thoại...) thì vật chứng sẽ được tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017)vvà điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trong thực tiễn xét xử, có những trường hợp bị cáo có hành vi dùng tài sản đã thế chấp hợp pháp làm phương tiện phạm tội mà bên nhận thế chấp không có lỗi trong việc để cho bị cáo sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm tức vật chứng này là tài sản bảo đảm của hợp đồng thế chấp thì việc xử lý vật chứng trong trường hợp phải thực hiện thế nào cho đúng?

Nếu tịch thu ngân sách nhà nước toàn bộ tài sản sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận thế chấp và không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24 tháng 10 năm 1998 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24 tháng 10 năm 1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Mặt khác nếu chỉ xử lý vật chứng theo hướng giao tài sản cho bên nhận thế chấp cùng những người có liên quan phát mãi, thanh lý hợp đồng thế chấp của các bên trước đó sẽ không phù hợp với quy định xử lý vật chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc án lệ để xử lý vật chứng trong trường hợp nêu trên gây lúng túng cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Ví dụ trong vụ án cụ thể sau: Phạm Xuân V và Nguyễn Văn T là bạn bè, đều là đối tượng nghiện ma túy đá (Methamphetamine). Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 26/3/2021, T điều khiển xe mô tô hiệu Yamaha Exciter BKS 47B2 – 345.73 đến đón Vinh ở ngã tư đường 10/3 với đường N, phường T, thành phố B cùng nhau đi mua ma túy, sau khi mua được ma túy và đến trước địa chỉ số 56 đường T, phường T, thành phố B thì bị lực lượng Cảnh sát điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột phát hiện, bắt quả tang. Thu giữ trong lòng bàn tay trái của V một gói nylon bên trong chứa chất rắn dạng tinh thể màu trắng đã được niêm phong theo quy định pháp luật, ngoài ra còn thu giữ 01 xe mô tô hiệu Yamaha, số loại Exciter 2ND1, BKS 47B2 – 345.73, số khung RLCUG0610HY541139, số máy G3D4E564669, loại xe hai bánh từ 50-175cm3, dung tích xi lanh 149.8 đứng tên chủ sở hữu Nguyễn Văn T mà bị cáo T sử dụng thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình điều tra xác định, chiếc xe này đang là tài sản đảm bảo khoản vay tại Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà REE Tower, số 9 Đoàn Văn Bơ, phường 12, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 127/KLĐG ngày 25/6/2021 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thành phố Buôn Ma Thuột xác định: 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha, số loại Exciter, màu sơn xám xanh, dung tích xi lanh 149.8cm3, số máy G3D4E564669, số khung RLCUG0610HY541139, biển số 47B2 – 345.73 (đã qua sử dụng – tài sản thu hồi được) trị giá 25.700.000 đồng.

Về việc xử lý vật chứng là xe mô tô nhãn hiệu Yamaha, số loại Exciter, biển số 47B2 – 345.73 là phương tiện mà bị cáo sử dụng để phạm tội có các quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất: Xe mô tô trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của bị cáo Nguyễn Văn T được xác định là phương tiện phạm tội, T dùng xe mô tô làm phương tiện cùng V đi mua ma túy, thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017), điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Việc T dùng xe mô tô để thế chấp tại Ngân hàng không làm mất đi quyền sở hữu của T khi T dùng làm phương tiện phạm tội thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai: Chiếc xe mô tô là tài sản thuộc quyền sở hữu của bị cáo T, nhưng T đã dùng xe mô tô để thế chấp tại Ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay. Vì vậy, giao lại xe cho Ngân hàng để Ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo.

Quan điểm thứ ba: Chiếc xe mô tô là tài sản thuộc quyền sở hữu của T, nhưng T đã dùng xe để thế chấp tại Ngân hàng để vay tiền. Áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017) ; điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu xe mô tô, giao cho Ngân hàng bán đấu giá để thu hồi số tiền mà bị cáo T đã vay và tiền lãi (vì đã hết thời hạn vay, nhưng Trung không có khả năng trả nợ). Số tiền bán xe sau khi trừ tiền vay, lãi và chi phí bán đấu giá còn lại (nếu còn) thì được tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Theo quan điểm của tác giả cũng đồng ý với quan điểm thứ ba, không nên tịch thu toàn bộ tài sản (chiếc xe máy trên) vì sẽ không đúng quy định theo Bộ luật dân sự năm 2015, không đảm bảo quyền lợi của bên cầm cố, thế chấp nhưng cũng không thể giao toàn bộ tài sản cho bên cầm cố, thế chấp (vì giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện). Do vậy, cần giao tài sản cho cơ quan thi hành án kê biên xử lý theo quy định, phần dư còn lại (nếu có) sau khi đã thanh toán xong nghĩa vụ bảo đảm thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm kê biên nộp ngân sách nhà nước. Xử lý như vậy, một mặt vừa đảm bảo quyền lợi của bên nhận tài sản đảm bảo, một mặt vừa xử lý được trách nhiệm của bị cáo khi sử dụng tài sản làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Trên đây là ý kiến về thực tiễn xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội là tài sản bảo đảm của hợp đồng thế chấp trong vụ án hình sự. Rất mong các đồng nghiệp và các bạn đóng góp ý kiến.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt  - Nguyễn Thị Thu Hiền  -  Dương Thị Bích Dịu