Tại phiên toà sơ thẩm, các đương sự thoả thuận và đã tự bồi thường cho nhau thì các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch hay không có giá ngạch
Cập nhật lúc: 16:13 12/06/2024
Theo quy định khoản 3 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự thì “Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội thì “Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó...”
Như vậy, tại phiên toà sơ thẩm các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án. Thực tiễn, tại phiên toà sơ thẩm các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và họ thực hiện luôn toàn bộ quyền, nghĩa vụ trong vụ án, đồng thời yêu cầu HĐXX công nhận sự thoả thuận của các đương sự (đương sự không rút một phần hoặc toản bộ yêu cầu theo khoản 2 Điều 244 BLTTDS). Căn cứ vào Điều 246 BLTTDS, HĐXX đã ra Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nhưng vướng mắc trong việc xem xét nghĩa vụ chịu án phí DSST có giá nghạch hay không có giá ngạch.
Ví dụ (vụ án có thực) : A có hành vi gây thương tích cho B nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, B khởi kiện yêu cầu A phải bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm. Tại phiên toà, A và B thoả thuận, A bồi thường cho B 27.000.000đồng, A giao đủ 27.000.000đồng cho B ngay tại phiên toà. A và B yêu cầu HĐXX công nhận sự thoả thuận này của các đương sự. HĐXX, ra Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nhưng có quan điểm khác nhau trong việc xem xét về phần án phí dân sự sơ thẩm mà các đương sự phải chịu:
*Quan điểm thứ nhất, đây là vụ án dân sự có giá ngạch nên khi giải quyết, xét xử vụ án phải xem xét về nghĩa vụ chịu án phí theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các đương sự thỏa thuận với nhau về số tiền bồi thường tại phiên tòa, nên A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch (27.000.000đồng x 5%). Bởi vì:
Tại phiên tòa, các đương sự tự nguyện thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án, A đồng ý yêu cầu của B và được Tòa án chấp nhận. Do đó, các đương sự phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 8 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các bên thực hiện nghĩa trả tiền sau khi HĐXX ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hay các bên thực hiện luôn nghĩa vụ với nhau ngay tại phiên tòa, thì cũng không làm thay đổi bản chất vụ án. Nên các đương sự vẫn phải chịu tiền án phí DSST có giá ngạch.
*Quan điểm thứ hai, tại phiên tòa các đương sự đã tự nguyện thỏa thuận với nhau về số tiền bồi thường và ngay tại phiên toà, A đã tự bồi thường đủ số tiền cho B. Nên, HĐXX ban hành Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, HĐXX chỉ công nhận một sự kiện pháp lý giữa các đương sự không trái pháp luật và đạo đức xã hội, các bên không còn nghĩa vụ gì đối với nhau. Do vậy, tiền án phí DSST được coi là không có giá ngạch. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lý do sau:
Vụ án dân sự có giá ngạch là những vụ án mà đương sự đặt ra yêu cầu cụ thể về một số tiền hoặc tài sản có thể xác định bằng một số tiền cụ thể (quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị quyết 326/2016 UBTVQH14). Vụ án nói trên, A yêu cầu B phải bồi thường thiệt hại một số tiền cụ thể, đây là vụ án dân sự có giá ngạch, nên khi HĐXX ra Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự thì phải xem xét về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, nếu chỉ dừng lại ở việc A và B thoả thuận, A chấp nhận bồi thường cho B số tiền mà B yêu cầu.
Vụ án dân sự không có giá ngạch là những vụ án trong đó đương sự không đặt ra yêu cầu cụ thể về một số tiền hoặc không thể xác định giá trị bằng một số tiền cụ thể (quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị quyết 326/2016 UBTVQH14). Vụ án phải đưa ra xét xử, ban đầu xác định là vụ án dân sự có giá ngạch là hoàn toàn đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, HĐXX đã phát huy vai trò hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, đương sự đã thoả thuận được với nhau việc giải quyết vụ án, góp phần giữ gìn và củng cố tình làng nghĩa xóm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội. A đã tự nguyện bồi thường xong cho B tại phiên toà, không cần sự can thiệp của cơ quan thi hành án dân sự, từ đó sẽ giảm áp lực quá tải cho cơ quan thi hành án và các bên tranh chấp cũng không mất một khoản tiền về chi phí thi hành án dân sự. Đây là việc làm cần được khuyến khích.
Thực tế, A đồng ý và bồi thường xong cho B ngay tại phiên tòa, A không còn có nghĩa vụ phải thi hành án bất cứ khoản tiền gì cho B (B không còn yêu cầu gì đối với A). A và B chỉ yêu cầu HĐXX công nhận sự kiện này cho A và B. Nên vụ án dân sự có giá ngạch trở thành vụ án dân sự không có giá ngạch, đương sự chỉ phải chịu 300.000đồng tiền án phí DSST là hợp lý.
Trên đây là ý kiến cá nhân của người viết, liên quan đến nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm, rất mong ý kiến trao đổi của các đồng đồng nghiệp và bạn đọc.
Nguyễn Thế Dương - Phạm Công Đức
TAND huyện M’Đrắk
Các tin khác
- Phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án dân sự sơ thẩm
- Lắk: Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
- Xét xử rút kinh nghiệm vụ án: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
- Hình phạt thích đáng cho bị cáo vì coi thường pháp luật đối với hành vi: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” xảy ra tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
- Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến.