Ai phải nộp án phí ?
Cập nhật lúc: 10:12 26/11/2019
Bàn về nghĩa vụ chịu án phí khi Tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự khi bị đơn thuộc diện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326).
Theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 thì những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí: “Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”
Đối chiếu với quy định về án phí tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 thì: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.”
Nghị quyết không nói rõ nguyên đơn hay bị đơn phải chịu và tỉ lệ chịu bao nhiêu %. Từ đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ điển hình trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, đây là tranh chấp diễn ra thường xuyên, liên tục tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, giữa Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần A khởi kiện bị đơn anh Nguyễn Văn B là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại tỉnh Đắk Lắk để đòi khoản tiền nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng là 100.000.000đ.
Đứng phương diện là nguyên đơn khởi kiện thì Ngân hàng không bao giờ chấp nhận chịu án phí khi yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ, trong trường hợp trên vẫn tồn tại nhiều cách nghĩ, quan điểm khác nhau về án phí trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được việc bị đơn anh Nguyễn Văn B chấp nhận trả số tiền nợ 100.000.000đ.
- Quan điểm thứ nhất: Trong trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, tức mức án phí là 2.500.000đ, trong nội dung thỏa thuận thì bị đơn anh Nguyễn Văn B là người chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch, tuy nhiên đối chiếu theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 thì bị đơn anh Nguyễn Văn B là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại tỉnh Đắk Lắk và có đơn xin miễn án phí hợp lệ theo quy định nên Thẩm phán đã miễn toàn bộ tiền án phí cho bị đơn anh Nguyễn Văn B và hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí ban đầu cho Ngân hàng thương mại cổ phần A.
- Quan điểm thứ hai: Vì các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên mỗi bên phải chịu 25 % trong số tiền án phí là 2.500.000đ, tức Ngân hàng thương mại cổ phần A phải chịu 1.250.000đ và bị đơn anh Nguyễn Văn B phải chịu 1.250.000đ, trong trường hợp anh Nguyễn Văn B tự nguyện chịu toàn bộ án phí thì phải chịu thay cho Ngân hàng thương mại cổ phần A số tiền 1.250.000đ theo khoản 3 Điều 12 Nghị quyết 236 quy định “Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.” Từ đó Thẩm phán quyết định bị đơn anh Nguyễn Văn B chỉ được miễn số tiền 1.250.000đ án phí của mình, nhưng phải nộp thay số tiền án phí cho Ngân hàng thương mại cổ phần A là 1.250.000đ và hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí ban đầu cho Ngân hàng thương mại cổ phần A.
Từ những quan điểm trên nhận thấy còn một số vướng mắc về án phí trong trường hợp Tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự khi bị đơn thuộc diện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326. Nếu theo quan điểm thứ nhất thì có lợi cho nguyên đơn cũng như bị đơn vì không phải chịu án phí nộp ngân sách nhà nước. Còn theo quan điểm thứ 2 thì trong trường hợp nếu phải chịu 25% mức án phí công nhận sự thỏa thuận là thuộc về nghĩa vụ của nguyên đơn mà bị đơn phải chịu là bất lợi cho bị đơn vì bị đơn thuộc trường hợp được miễn tiền án phí theo quy định, trong khi nếu đưa vụ án ra xét xử sớm thì bị đơn sẽ được miễn toàn bộ án phí theo quy định.
Trong thực tiễn giải quyết còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng án phí khi Tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự khi bị đơn thuộc diễn được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326, thiết nghĩ cần có hướng dẫn thống nhất để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Trên đây là một số vướng mắc mà tác giả nhận thấy, rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến từ các đồng nghiệp và bạn đọc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?