Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án
Cập nhật lúc: 14:25 23/07/2019
Ngày 15/5/2018, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân.
Theo đó, Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Đây được coi là một trong những quy định mở và có lợi hơn rất nhiều cho tổ chức tín dụng trong việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền vì rút ngắn được quá trình giải quyết tranh chấp qua Tòa án, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm.
Về cơ bản Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP bao hàm nội dung như sau:
- Đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu đáp ứng đủ các điều kiện tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và hướng dẫn của Nghị quyết này thì Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.
- Trong quá trình giải quyết vụ án Hôn nhân và gia đình, trước khi đưa vụ án ra xử sơ thẩm, nếu có đương sự yêu cầu giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 thì: Tòa án có thể tách yêu cầu của đương sự đó để giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục rút gọn nếu TSBĐ đó là tài sản của vợ chồng.
Ngoài ra, Nghị quyết này cũng hướng dẫn các quy định về đơn khởi kiện, tài liệu kèm theo trong quá trình Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.
Tuy nhiên, tiêu chí để xác định nợ xấu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 còn có vướng mắc như sau: Có 2 phương pháp xác định nợ xấu là định lượng và định tính, bao gồm 3 nhóm nợ xấu: Nợ dưới tiêu chuẩn (Nhóm 3); Nợ nghi ngờ (Nhóm 4) và Nợ có khả năng mất vốn (Nhóm 5), Phụ lục này căn cứ vào quy định tại Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/04/2007 của Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế nợ xấu là những khoản nợ có các đặc trưng sau đây:
– Khách hàng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng khi các cam kết nợ này đã hết hạn.
– Tình hình tài chính của khách hàng đang và có chiều hướng xấu dẫn đến nhiều khả năng ngân hàng không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.
– Tài sản đảm bảo (thế chấp, cầm cố, bảo lãnh) được đánh giá là giá trị phát mãi không đủ trang trãi nợ gốc và lãi.
– Thông thường về thời gian là các khoản nợ quá hạn từ ngày thứ 91 trở lên.
Như vậy, có thể hiểu Tòa án có thẩm quyền căn cứ tiêu chí để xác định nợ xấu trên cơ sở văn bản đánh giá của tổ chức tín dụng, việc phân loại nhóm nợ dựa trên đánh giá về mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Tòa án sẽ có khó khăn trong việc xem xét, đánh giá tiêu chí xác định nhóm của tổ chức tín dụng là đúng hay sai để áp dụng Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP khi thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. Nếu chỉ xác định khoản nợ đã quá hạn trong thời hạn nhất định (giả sử quá 91 ngày kể từ ngày có nghĩa vụ trả nợ theo nhóm 3) để xác định là nợ xấu sẽ đơn giản và dễ xem xét điều kiện để thụ lý, không cần thiết liệt kê cả 3 nhóm nợ xấu bởi lẽ đây chỉ là tiêu chí phân loại nợ của riêng các tổ chức tín dụng.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?