VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Cập nhật lúc: 16:34 23/10/2024

Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật khi xử lý vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản chung của vợ chồng vẫn đang có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất tại các địa phương. Để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất về vấn đề này mang ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.

I. Quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến việc xử lý vật chứng là tài sản chung vợ chồng trong vụ án Hình sự.

1.1 Ngày 07/10/2024, Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 75-VC2-V1 về việc rút kinh nghiệm vụ án Hình sự bị Toà án phúc thẩm sửa án.

Nội dung rút kinh nghiệm: Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo Đỗ Quốc C, Đỗ Quốc B, Phạm Đức A, Phùng Văn S về tội “Xâm phạm trái phép vào mạng viễn thông” là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm tuyên tịch thu ½ giá trị của các xe ô tô của các bị cáo và tuyên trả lại ½ giá trị xe còn lại cho vợ của các bị cáo là không đúng pháp luật, bởi lẽ: Trong vụ án này, các xe ô tô đã thu giữ là phương tiện dùng vào việc phạm tội, là vật chứng của vụ án nên phải tịch thu toàn bộ giá trị xe sung vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự.

Trong vụ án này, các xe ô tô đã thu giữ là phương tiện dùng vào việc phạm tội, là vật chứng của vụ án nên phải tịch thu toàn bộ giá trị xe sung vào ngân sách nhà nước.

Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự quy định việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu, tiêu huỷ được áp dụng đối với “Công cụ, phương tiện, dùng vào việc phạm tội”; khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu huỷ”.

1.2 Tại Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THSHS hướng dẫn:

1. Xử lý như thế nào đối với phương tiện, công cụ phạm tội trong 02 trường hợp: ...; (2) phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng?

Trả lời:

...

Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015 quy định: Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”. Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.”

Như vậy, giữa 02 văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật nêu trên của Viện kiểm sát đang tạo ra hai quan điểm.

Quan điểm thứ nhất trùng với lập luận của Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng theo Thông báo rút kinh nghiệm số 75-VC2-V1.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của người viết): Thực tiễn áp dụng cần đánh giá từng trường hợp cụ thể để quyết định việc có thu hồi hay không thu hồi toàn bộ vật, tài sản là tài sản chung vợ chồng theo Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cơ sở pháp lý cho quan điểm.

+ Quyền sở hữu của cá nhân là quyền được Hiến pháp năm 2013 bảo vệ, được quy định tại Điều 32, theo đó:

“1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.

2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.”

Tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự quy định: 3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Như vậy, trường hợp khi đánh giá vật chứng là tài sản chung vợ chồng thì ngoài việc áp dụng khoản 1 Điều 47 thì cần phải xem xét cả khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự. Trường hợp nếu có căn cứ xác định người vợ hoặc chồng (không phải người thực hiện hành vi phạm tội) mà họ không có lỗi trong việc để người vợ hoặc chồng sử dụng tài sản sử dụng vào mục đích phạm tội thì pháp luật phải bảo vệ quyền sử hữu của họ.

Ý kiến đề xuất: Để việc áp dụng quy định liên quan đến vật chứng là tài sản chung vợ chồng trong vụ án hình sự được thống nhất , đề nghị Toà án nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp nêu trên.

Việt Tiệp – Toà án nhân dân huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk