BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
Cập nhật lúc: 17:13 03/04/2024
Ý thức pháp luật là nhân tố không thể thiếu trong đời sống pháp luật của xã hội ở tất cả các giai đoạn phát triển của nó, nhất là từ khi xuất hiện nhà nước pháp quyền. Ý thức pháp luật có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đồng thời quyết định hiệu quả của việc thực hiện pháp luật, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.
Có rất nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đánh giá cao, mang lại hiệu quả như thông qua loa truyền thanh ở cơ sở, tổ chức Hội nghị tuyên truyền trực tiếp: phát tờ rơi, trợ giúp pháp lý; công tác hòa giải ở cơ sở; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến bằng tiếng dân tộc...
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy nhiều nơi việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới chỉ đảm bảo về mặt hình thức, chưa thực sự được truyền đạt tới người dân, kết quả thực hiện chưa cao. Có thể do nhiều nguyên nhân như: Ở vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống điện lưới, mạng internet, người dân sống rải rác vì vậy việc tuyên truyền qua loa phát thanh chưa đảm bảo; các tuyên truyền viên chỉ tập trung phổ biến ở các địa bàn gần trung tâm “ngại” đi xa, hoặc hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, nhiều khi chỉ là hợp thức hóa trên hồ sơ để báo cáo, thực chất không quan tâm tới kết quả đạt được của các buổi tuyên truyền, phổ biến.
Nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án là xét xử, tuy nhiên các công chức Tòa án đều có những hiểu biết về pháp luật nên cần phải chung tay với các ban ngành, đoàn thể khác trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao về việc nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt tập trung ở lứa tuổi học sinh. Một xã hội mà người dân có trình độ thì xã hội đó sẽ phát triển, một xã hội mà người dân đều có kiến thức về pháp luật thì xã hội đó ít kẻ phạm tội. Nên để hạn chế xét xử người có tội thì chúng ta cần trang bị cho họ một kiến thức pháp luật. Vì vậy, bài viết này xin đề cập sâu hơn về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
Tại sao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lại cần tập trung ở lứa tuổi học sinh? Vì hầu hết chúng ta trưởng thành đều phải trải qua những năm tháng giáo dục trong nhà trường, đó là nền tảng ảnh hưởng đến việc nhận thức và hành động sau này của mỗi con người chúng ta. Ngay khi các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường để học văn hóa thì cũng cần hình thành cho các em những nhận thức về pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, thông qua đó cũng làm hạn chế đi những hành vi phạm tội sau này. Đặc trưng ở môi trường giáo dục là tập trung đông học sinh, vì vậy việc tuyên truyền, phổ biến cũng dễ dàng, hiệu quả hơn. Đây cũng là lứa tuổi dễ dàng tiếp thu các kiến thức nhất và sự ghi nhớ cao trong bộ não, hình thành lên thói quen trong hành động và ứng xử trong tương lai. Là lứa tuổi đang phát triển cả về tâm sinh lý nên cần uốn nắn ngay từ những giai đoạn đầu phát triển nhân cách con người.
Trên thực tế, không ít trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội họ lại không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật, do việc nhận thức pháp luật còn hạn chế, hoặc chưa được tiếp cận đến việc giáo dục pháp luật, như: Nhiều tội phạm liên quan đến hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, họ lại không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật vì họ cho rằng họ tự nguyện yêu nhau, tự nguyện quan hệ, không bị ép buộc; hoặc có một số nơi dân tộc thiểu số người dân đã trồng cây cần sa để phục vụ cho việc chăn nuôi của gia đình, họ cho rằng không phạm tội vì bản thân họ không sử dụng, họ không bán cho người khác để sử dụng mà để làm một trong những vị thuốc điều trị bệnh cho vật nuôi, hoặc những học sinh chưa có kiến thức về luật giao thông đường bộ, chưa đủ tuổi để thi bằng lái xe nhưng đã điều khiển xe máy điện, xe gắn máy dưới 50cc, lạng lách đánh võng gây tai nạn cho những người tham gia giao thông khác...Như vậy, tất cả những hành vi phạm tội này đều đáng tiếc hơn là đáng trách. Nếu như họ được tiếp cận với kiến thức pháp luật, có thể họ sẽ không hành động như vậy.
Vì vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi, việc phối hợp giữa ngành Giáo dục và Tòa án trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào trong môi trường giáo dục ở địa phương cần phải có quy chế bằng văn bản. Đối với nhà trường, cần phải triển khai ở tất cả các cấp học và từ mức độ đơn giản đến phức tạp. Việc tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được coi là một môn ngoại khóa bắt buộc hàng tuần, cần có những bài kiểm tra, bài thi đối với học sinh về kiến thức pháp luật. Đối với Tòa án, cần cử công chức Tòa án, có thể ưu tiên cho Đoàn thanh niên tổ chức, phối hợp với nhà trường để phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong các buổi sinh hoạt dưới cờ vào thứ 2 hàng tuần, các hình thức tuyên truyền, phổ biến phải đa dạng, tránh sự nhàm chán, cứng nhắc, khó tiếp thu. Sau các buổi sinh hoạt, cần có văn bản báo cáo kết quả thực hiện và có ký xác nhận của hai cơ quan. Và nên cần đưa nội dung này là một trong những tiêu chí thi đua của Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi xin được chia sẻ và xin tiếp thu sự đóng góp từ phía người đọc.
Đỗ Thị Hồng Nhung
Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?
- Vướng mắc trong việc xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả.