Bài viết: Nâng cao công tác tổ chức, thực hiện giáo dục Pháp luật thông qua hoạt động xét xử của Tòa án.
Cập nhật lúc: 10:20 09/05/2022
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của giáo dục trong quá trình hình thành nhân cách con người.
Cổ nhân có câu: “Con người, khi hoàn hảo, là loài động vật tuyệt vời nhất, nhưng, khi rời xa pháp luật và công lý, đó lại là loài động vật tồi tệ nhất...Bởi vậy, con người không có phẩm hạnh sẽ là loài động vật báng bổ và tàn bạo nhất, luôn đói khát và thèm thuồng nhất. Nhưng công lý chính là thứ ràng buộc mọi người trong quốc gia, vì sự thi hành công lý, tức là quyết định cái gì là công bằng, chính là nguyên tắc duy trì trật tự trong một xã hội có Nhà nước” và “Nếu công lý bị tước đoạt thì các vương quốc sẽ chỉ còn đầy rẫy cướp bóc khủng khiếp”.
Chính vì điều này cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của pháp luật trong xã hội loài người nói chung và trong xã hội hiện đại hiện nay nói riêng. Nhưng không phải ai cũng có trình độ hiểu biết pháp luật giống nhau, không phải ai cũng có điều kiện được tiếp cận những quy định pháp luật giống nhau và cũng không phải ý thức tuân theo pháp luật của ai cũng giống nhau. Chính vì vậy, trong xã hội từ xưa đến nay luôn luôn xảy ra những tranh giành, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, kẻ côn đồ làm người hiền lành run sợ. Nếu không có pháp luật, tranh chấp sẽ được giải quyết bằng vũ lực, bằng sự hành hung thậm chí giết chóc lẫn nhau. Từ đó dẫn tới tình trạng bất ổn và rối loạn. Trong xã hội “luật rừng” thì thế lực tội phạm sẽ lộng hành và không người dân nào cảm thấy yên ổn. Người dân tự xử tranh chấp của mình thi không bao giờ bảo đảm được công lý vì không bên nào chịu bên nào. Chính vì vậy mà nhà nước hình thành cơ chế Tòa án để giải quyết mọi tranh chấp trong xã hội. Tòa án chứ không phải bất kì cơ quan nhà nước nào khác đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo đảm ổn định, trật tự và bình yên trong xã hội, bởi vì khi tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý của mình thì công lý sẽ ngự trị và người dân được bảo vệ trong một xã hội ổn định, trật tự và yên bình.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của giáo dục trong quá trình hình thành nhân cách con người. Theo Bác, nhân cách được hình thành phần lớn thông qua giáo dục (“Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”). Thấm nhuần tư tưởng của Người, công tác giáo dục pháp luật (GDPL) luôn được xác định là một nội dung quan trọng nhằm hình thành cho con người ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, phát huy vai trò hiệu lực của pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng mọi người trở thành những người công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Trong hoạt động tư pháp, xét xử được coi là khâu trung tâm có vai trò quyết định; bởi hoạt động xét xử bao giờ cũng gắn với việc Tòa án nhân danh Nhà nước ra một quyết định, một bản án bảo vệ lợi ích Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giáo dục công dân tuân thủ pháp luật. Tòa án có thể thực hiện việc giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nhưng tập trung nhất và quan trọng nhất vẫn là giáo dục qua hoạt động xét xử.
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử được ghi nhận trong Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2002, bằng hoạt động của mình “Tòa án giáo dục cho mọi người ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện thói quen tuân thủ pháp luật, cần làm cho mọi người tin rằng bất cứ sự vi phạm pháp luật nào cùng sẽ bị Tòa án và xã hội lên án, giáo dục mọi công dân ý thức tham gia vào hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm”
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, có chủ định và có kế hoạch của các chủ thể giáo dục (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Thư ký tòa án, Giám định viên) đến các đối tượng giáo dục (những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa) nhằm hình thành ở họ ý thức pháp luật, trạng thái xúc cảm, tình cảm pháp luật đúng đắn là cơ sở cho hành vi, ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
Thông qua hoạt động xét xử, có thể giúp cho những người tham gia tố và những người theo dõi phiên toà hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn về những quy định của pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Từ đó họ có thể tự đánh giá về hành vi và trách nhiệm pháp lý của mình, giúp hình thành ở họ những cảm xúc về sự công bằng nghiêm minh của pháp luật, tôn trọng các đại diện của công lý, giúp họ định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật (cụ thể là phù hợp với những bản án, quyết định đúng đắn của hội đồng xét xử), giúp định hướng dư luận xã hội, nhờ đó mà phát huy tác dụng phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hoạt động xét xử cũng như hoạt động giáo dục.
Để nâng cao công tác tổ chức thực hiện, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử của Tòa án, chúng ta cần:
- Bên cạnh việc xét xử các vụ án tại trụ sở Tòa án, các TAND nên đẩy mạnh các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên toà được truyền hình trực tuyến, đặc biệt tại địa bàn nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm về một số loại tội phạm. Hoạt động này luôn mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà; tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư ở địa phương; giúp cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà.
- Cần tiếp tục duy trì mở phiên tòa công khai (trừ một số trường hợp theo quy định) để người dân được tham gia khi không có giấy triệu tập của Tòa án, đó là một trong những hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả nhất trong hoạt động xét xử của Tòa án.
- Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử ngoài việc chỉ trích dẫn những điều luật có liên quan đến vụ án thì cần phân tích cho những người tham gia tố tụng được hiểu rõ hơn về những quy định đó.
- Người tiến hành tố tụng là phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt và đặc biệt phải là người nắm rõ các quy định của pháp luật thì khi đó, ngoài việc xét xử các vụ án đúng quy định thì còn có có thể truyền đạt được chính xác các nội dung mà pháp luật quy định cho những người tham gia phiên tòa được hiểu rõ, tránh mơ hồ, hiểu sai về các quy định đó.
- Mỗi cán bộ, công chức ngành Tòa án cần nâng cao tinh thần học hỏi, nghiên cứu các quy định của pháp luật, để có thể đóng góp, xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch, ít lỗ hổng, không chồng chéo, không mâu thuẫn.
Mỗi cán bộ, Đảng viên gương mẫu, tận tâm trong công việc, không ngừng trau đồi kiến thức chuyên môn sẽ làm cho ngành Tòa án hoạt động một cách hiệu quả, đem lại công bằng và bình yên cho xã hội.
Người viết: Đỗ Thị Hồng Nhung
Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?