Bàn về một số quy định trong luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Cập nhật lúc: 10:04 28/06/2021

Có thể nói, sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là quy định mang tính đột phá; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 03 chương và 42 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Có thể nói, sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là quy định mang tính đột phá; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngày 01/01/2021 đến nay, có một số bất cập, khó khăn mà chưa có văn bản nào quy định hướng dẫn để áp dụng thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, người viết đề cập một số vướng mắc và nêu ý kiến về một số vấn đề khi áp dụng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thứ nhất, quy trình ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án còn chưa được hiểu và áp dụng thống nhất trong thực tiễn, cụ thể:

Trường hợp các bên hòa giải thành và có yêu cầu, theo Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: Hòa giải viên chuyển tài liệu và biên bản hòa giải thành để Tòa án ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Tuy nhiên, đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau về việc trước khi ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án có tiến hành thụ lý vụ việc không, hay trong thời hạn 15 ngày, Thẩm phán xem xét và ra quyết định khi có đủ điều kiện mà không thụ lý? Nếu không thụ lý thì vụ việc này có được tính vào số lượng vụ việc Tòa án giải quyết được không? Nếu có thụ lý thì thụ lý thời điểm nào, khi hòa giải hay khi đã hòa giải và chuyển sang Tòa? Trường hợp có thụ lý thì đương sự có phải nộp án phí, lệ phí không?

Quan điểm thứ nhất, Tòa án phải thụ lý vụ việc. Thời điểm thụ lý là sau khi nhận được biên bản hòa giải thành và tài liệu kèm theo do Hòa giải viên gửi đến và trước khi ra Quyết định công nhận hòa giải thành. Bởi nếu không thụ lý sẽ ảnh hưởng đến việc Tòa án có tiếp nhận đơn của đương sự nhưng không có “đầu ra”, dẫn đến số liệu phản ánh “chỉ tiêu” của Thẩm phán bị “hụt”. Trường hợp này đương sự không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự

Quan điểm thứ hai, Tòa án phải thụ lý vụ việc. Thời điểm thụ lý là sau khi nhận được biên bản hòa giải thành và tài liệu kèm theo do Hòa giải viên gửi đến. Tòa án ra thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự. Sau khi đương sự nộp biên lai thu tiền tạm ứng lệ phí thì Tòa án thụ lý việc dân sự và ra Quyết định công nhận hòa giải thành.

Quan điểm thứ ba và cũng là quan điểm của người viết, Tòa án không thụ lý vụ việc mà ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành theo đúng thời hạn tại Điều 32 khoản 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bởi:

Thứ nhất, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính theo quy định (khoản 2, 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án). Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận, thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành. Việc Tòa án ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là đương nhiên vì thế mà không phải ra thông báo thụ lý vụ việc.

Thứ hai, Điều 32 khoản 1 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chỉ quy định sau khi nhận được biên bản hòa giải thành và tài liệu kèm theo, Tòa án ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành (không quy định phải thụ lý vụ việc). Việc Tòa án ra luôn Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, không thụ lý vụ việc vừa đảm bảo được nguyên tắc trong hòa giải, đảm bảo được mục đích hướng tới của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là tiết kiệm công sức, thời gian của các bên liên quan. Nếu Tòa án yêu cầu đương sự nộp lệ phí theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự là bất lợi cho đương sự và không đúng quy định tại Điều 6 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thứ ba, khoản 1 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này, trừ tài liệu phải bảo mật quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này”. Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án không quy định trường hợp hòa giải thành, đối thoại thành thì Tòa án phải thụ lý vụ việc theo quy định.

Mặt khác, nếu Tòa án thụ lý vụ việc thì phải thực hiện giải quyết theo thủ tục do Bộ luật TTDS quy định. Theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Bộ Luật TTDS thì “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; d) Đưa vụ án ra xét xử”. Như vậy, trường hợp thụ lý vụ việc thì Thẩm phán phải ra một trong các quyết định như theo Điều 203 Bộ luật TTDS, mà không được ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

Thứ hai, hiện chưa có biểu mẫu về “Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành”

Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:

“1. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu”.

Như vậy, sau khi các bên hòa giải thành, đối thoại thành, Hòa giải viên sẽ tiến hành ghi nhận kết quả bằng biên bản. Nếu các bên có yêu cầu, Hòa giải viên chuyển toàn bộ tài liệu cùng biên bản hòa giải thành đến Tòa án có thẩm quyền để ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn về mẫu “Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành” “Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành”, do vậy, khi Tòa án ban hành Quyết định còn thiếu thống nhất về căn cứ ban hành và nội dung quyết định.

Thứ ba, tại khoản 4 Điều 33 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định “Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;”

Tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật TTDS quy định: “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến…..”

Như vậy, trường hợp Hòa giải viên hòa giải vụ việc ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn mà có con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên thì Hòa giải viên có tiến hành lấy ý kiến của con hay không. Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án và các văn bản hướng dẫn hiện hành chưa quy định vấn đề này. Hiện nay có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Hòa giải viên không cần phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên vì trường hợp này là hòa giải trước khi thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự nên Hòa giải viên chỉ cần lấy ý kiến của cha, mẹ.

Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của người viết: Hòa giải viên phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên vì mặc dù đây là thủ tục hòa giải trước khi Tòa án thụ lý vụ việc nhưng để đảm bảo quyền lợi của con thì cần lấy ý kiến của con. Có nhiều trường hợp ý kiến của con khác với sự thỏa thuận của bố, mẹ thì Hòa giải viên có thể hòa giải để các bên có sự thỏa thuận phù hợp, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho con sau khi bố mẹ ly hôn.

Trên đây là một vài ý kiến, quan điểm trong quá trình áp dụng Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án; hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết. Do đó, người viết rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc để việc nhận thức pháp luật được áp dụng thống nhất./.

Phan Phụng – Thiên Lý        

Tòa án nhân dân huyện CưM’gar