Bàn về thẩm quyển ra lệnh tạm giam theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS

Cập nhật lúc: 17:22 12/05/2021

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) nhằm đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tạm giam có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo quyền con người, quyền công dân; tạm giam là một biện pháp nghiêm khắc, nhằm cách ly người phạm tội một thời gian nhất định để hạn chế người bị tạm giam một số quyền con người, quyền công dân như quyền cư trú, quyền đi lại…

Trong phạm vi bài viết này, người viết nêu lên hai ý kiến khác nhau về thẩm quyền ra lệnh tạm giam theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS .

I.  Các quy định thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Điều 277. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

       a) Đưa vụ án ra xét xử;

       b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

       c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

Điều 278. Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chăn, biện pháp cưỡng chế.

1. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định.

2. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này.

3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 278 BLTTHS thì thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử.  Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử (HĐXX) ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên toà.

II. Một số ý kiến  trong thực tiễn áp dụng:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS: “Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên toà”.Theo quy định này thực tiển áp dụng có hai loại ý kiến như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Việc ra lệnh tạm giam đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của người viết: Nếu Hội đồng xét xử đang tiến hành xét xử vụ án mà thời hạn tạm giam bị cáo đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì thẩm quyền ra lệnh tạm giam bị cáo trong trường hợp này của Hội đồng xét xử. Còn các trường hợp khác thì thẩm quyền của Chánh án Tòa án.

Trên đây là hai ý kiến khác nhau về việc tạm giam bị cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS. Do đó, người viết rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc để việc nhận thức pháp luật được áp dụng thống nhất./.

 

Văn Công Dần            

Tòa án nhân dân tỉnh ĐắkLắk.