Bàn về thay thế và huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

Cập nhật lúc: 15:56 18/04/2022

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp tố tụng quan trọng nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ người bị buộc tội gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội…

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp tố tụng quan trọng nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ người bị buộc tội gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội…thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng một trong các biện pháp: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Tại Chương VII, Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục, điều kiện, thẩm quyền và nhất là về thời hạn áp dụng. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin trao đổi các biện pháp: tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Khi nào áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú để thay thế, thay đổi cho biện pháp tạm giữ, tạm giam?

Một là, đối với giai đoạn tạm giữ: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm là hai biện pháp ngăn chặn dùng để thay thế cho biện pháp tạm giam và không quy định biện pháp ngăn chặn nào thay thế cho tạm giữ. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể thay đổi biện pháp tạm giữ bằng các biện pháp: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm.

Tại khoản 4 Điều 117 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”.

Tại Điều 125 BLTTHS quy định:

1. Mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;

c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;

d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.

Như vậy, trường hợp bị can đang bị tạm giữ không thể thay thế bằng các biện pháp ngăn chặn khác và chỉ     được huỷ bỏ khi thuộc một trong các trường hợp tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 125 BLTTHS.

Trường hợp hết thời hạn tam giữ 09 ngày (gia hạn thêm 02 lần) mà đã khởi tố bị can mà không cần thiết tạm giữ nữa thì căn cứ vào khoản 2 Điều 125 BLTTHS thì cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giữ. Nếu thấy cần thiết thì ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú khi có đủ các điều kiện theo quy định của BLTTHS.

Hai là, đối với giai đoạn tạm giam: Trường hợp bị can, bị cáo đang áp dụng biện pháp tạm giam thì có thể thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm hoặc thay đổi sang biện pháp ngăn chặn khác thì cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào khoản 2 Điều 125 huỷ bỏ biện tạm giam (khi thấy không cần thiết hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác) và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 123 BLTTHS.

Thực tiễn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi cư trú

Tại khoản 4 Điều 123 BLTTHS 2015 quy định: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”.

Theo tinh thần của Điều luật thì người bị cấm đi khỏi nơi cư trú đang ở tại giai đoạn nào thì cho cơ quan tiến hành tố tụng đó quyết định, cụ thể:

- Tại giai đoạn điều tra do Cơ quan điều tra quyết định nhưng không được quá thời hạn điều tra.

- Tại giai đoạn truy tố do Viện kiểm sát quyết định nhưng không được quá thời hạn truy tố.

- Tại giai đoạn xét xử do Toà án quyết định nhưng không được quá thời hạn xét xử.Nếu người bị kết án phạt tù thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với họ không được quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Theo đó:

Giai đoạn xét xử sơ thẩm: Theo quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS (thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm); khoản 3 Điều 278 BLTTHS  (áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế) và khoản 1, 3 Điều 329 (bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án) của BLTTHS năm 2015, thời hạn ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn xét xử sơ thẩm có thể chia thành các trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất, từ khi Tòa án thụ lý vụ án đến trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm, thời hạn, cụ thể là:

+ Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì thời hạn là 30 ngày đối với tội ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

+ Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì nối tiếp thêm 15 ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng; nối tiếp thêm 30 ngày đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

+ Đối với vụ án bị trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn là 25 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ.

Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội phạm khác nhau (từ tội phạm ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng), thì áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị can bị truy tố (tính theo thời hạn chuẩn bị xét xử đối với bị can đầu vụ).

- Trường hợp thứ hai, đối với bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú mà đến ngày mở phiên tòa, thời hạn đã hết, nếu thấy cần tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn này để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nối tiếp thời hạn đến khi kết thúc phiên tòa.

- Trường hợp thứ ba, khi bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn này để bảo đảm thi hành án hoặc hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ đến Tòa án cấp phúc thẩm do bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì HĐXX ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 346 (thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm), đoạn 2, 3 khoản 2 và khoản 3 Điều 347 (áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế) của BLTTHS năm 2015, thời hạn của lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn xét xử phúc thẩm có thể được chia thành các trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất, từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án đến trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú là 60 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu; 90 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương.

Trường hợp lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của cấp sơ thẩm còn thời hạn mà xét thấy cần phải tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn này thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn sử dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án cấp sơ thẩm. Nếu lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án cấp sơ thẩm hết thời hạn thì Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mới (thời hạn không quá thời hạn xét xử phúc thẩm).

- Trường hợp thứ hai, đối với bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú, nếu xét thấy cần tiếp tục áp dụng biện pháp này để hoàn thành việc xét xử thì HĐXX ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi kết thúc phiên tòa.

- Trường hợp thứ ba, đối với bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú, bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa phúc thẩm cũng hết thời hạn lệnh này thì HĐXX tiếp tục ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp bị cáo bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Trên đây là quan điểm của cá nhân về thay thế và huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự trong đó có biện pháp ngăn chặn cấm khỏi đi cư trú, xin trao đổi với bạn đọc./.

Nguyễn Hữu Giáp