Bàn về vấn đề miễn, giảm án phí.
Cập nhật lúc: 16:01 23/09/2019
Hiện nay, vấn đề miễn, giảm án phí trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính,… tại Tòa án còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể là:
- Về thủ tục miễn, giảm án phí: Có quan điểm cho rằng khi giải quyết các loại vụ án mà đối tượng phải chịu án phí thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí thì Tòa án sẽ quyết định miễn, giảm mà không cần có đơn đề nghị. Quan điểm khác cho rằng đối tượng phải chịu án phí phải làm đơn trình bày và cung cấp các tài liệu chứng minh mình thuộc đối tượng miễn, giảm và trên cơ sở đó Tòa án xem xét quyết định miễn, giảm.
- Về đối tượng được miễn giảm: Có quan điểm cho rằng khi có căn cứ miễn, giảm án phí theo quy định tại các Điều 12, 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14) thì các đối tượng phải chịu án phí trong tất cả các loại vụ án (kể cả án hình sự) đều được xem xét miễn, giảm. Quan điểm khác cho rằng việc miễn, giảm án phí chỉ áp dụng cho các đối tượng phải chịu án phí trong các vụ án dân sự (theo nghĩa rộng) và hành chính, mà không áp dụng cho các đối tượng là người bị kết án trong vụ án hình sự.
Về các nội dung nêu trên, tôi xin có một số ý kiến cá nhân như sau:
1. Về thủ tục miễn, giảm án phí:
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định 03 trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp thứ nhất: Không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án (Điều 11);
- Trường hợp thứ hai: Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án (Điều 12);
- Trường hợp thứ ba: Giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án (Điều 13);
Đối với trường hợp thứ hai và thứ ba, Nghị quyết này đã quy định thêm thủ tục để được miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như: Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án (Điều 14), Thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí (Điều 15), Thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án (Điều 16). Trong đó, khoản 1 Điều 14 quy định “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.
Điều này cho thấy rằng:
- Nếu đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Điều 11 của Nghị quyết thì đương nhiên không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí; không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án; đồng thời không cần có đơn đề nghị và các tài liệu, chứng cứ chứng minh.
- Nếu đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết thì phải có đơn đề nghị kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình thuộc trường hợp được miễn, giảm và nộp cho Tòa án có thẩm quyền. Trên cơ sở đơn kèm theo các tài liệu, chứng cứ, người có thẩm quyền miễn giảm sẽ xem xét, quyết định miễn, giảm. Do đó, những trường hợp thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết nhưng không có đơn đề nghị thì sẽ không được xét miễn, giảm.
Như vậy, trường hợp “không phải nộp” khác hoàn toàn với trường hợp “được miễn nộp” về cả khái niệm, căn cứ pháp lý và trình tự, thủ tục.
2. Về đối tượng được miễn, giảm:
Khoản 1 Điều 347 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án hành chính phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí”.
Khoản 1 Điều 348 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp án phí hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm”.
Tương tự như Luật tố tụng hành chính, tại các Điều 146, 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng đều quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm và trong điều luật cũng quy định “trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí (không phải chịu án phí)”.
Đồng thời, khoản 3 Điều 22, khoản 1 Điều 25, khoản 1 Điều 26, Điều 28, khoản 1 Điều 29, khoản 1 Điều 31, khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 33, khoản 1 Điều 34 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 đều quy định trong các vụ án dân sự, hành chính và phần dân sự trong vụ án hình sự, hành chính, ngoài nghĩa vụ phải nộp tạm ứng án phí, nghĩa vụ phải chịu án phí còn có quy định “trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí (không phải chịu án phí)”.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án”. Các quy định khác của Bộ luật tố tụng hình sự đều không quy định “trừ trường hợp được miễn, giảm án phí hình sự”.
Ngoài ra, khi quy định về án phí hình sự (hình sự sơ thẩm và hình sự phúc thẩm) thì Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và quy định các trường hợp phải chịu án phí hình sự phúc thẩm mà không quy định “trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, hình sự phúc thẩm”.
Như vậy, đối với án phí hình sự sơ thẩm và hình sự phúc thẩm thì người bị kết án không được miễn, kể cả khi có đơn đề nghị và thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 (Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ).
Trên đây là một số ý kiến trao đổi liên quan đến việc áp dụng các quy định về miễn giảm án phí, lệ phí Tòa án. Rất mong nhận được sự trao đổi góp ý của độc giả.
Nguyễn Văn Chung
TAND tỉnh Đắk Lắk
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?