Bàn về việc giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng trong vụ việc liên quan đến tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
Cập nhật lúc: 16:59 30/06/2017
Luât Công chứng năm 2014 (gọi tắt là Luật Công chứng), được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 20/6/2014, là cơ sở pháp lý quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Trong đó, vấn đề về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng được quy định cụ thể tại Điều 38:
“1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Đồng thời, Điều 52 Luật Công chứng cũng quy định về người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, gồm: Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về các vụ việc liên quan đến văn bản công chứng vô hiệu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, gồm: Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (khoản 11 Điều 26) và yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (khoản 6 Điều 27).
Như vậy, pháp luật đã quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (sau đây viết tắt là BTTH) của tổ chức hành nghề công chứng (viết tắt là TCHNCC) nếu do lỗi của công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch gây ra trong quá trình công chứng. Do đó, nếu trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà có lỗi của TCHNCC dẫn đến văn bản công chứng bị tuyên bố vô hiệu và gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác thì TCHNCC phải có trách nhiệm BTTH.
Tuy nhiên, việc giải quyết trách nhiệm BTTH của TCHNCC ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay cần phải tách ra bằng một vụ việc khác về yêu cầu bồi thường thiệt hại, để vừa giải quyết triệt để yêu cầu của đương sự nhưng cũng không gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án thì hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trách nhiệm BTTH của TCHNCC phải được giải quyết ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự 2015 thì “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả…Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Khi Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Như vậy, nếu chứng minh được lỗi dẫn đến văn bản công chứng vô hiệu là do TCHNCC gây ra thì TCHNCC phải có trách nhiệm BTTH cho người yêu cầu, người liên quan bị thiệt hại. Nguyên tắc của bồi thường thiệt hại là ‘thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Bên cạnh đó, để đảm bảo những yêu cầu của đương sự và những vấn đề phát sinh trong vụ án được giải quyết triệt để, toàn diện thì trách nhiệm TBTH của TCHNCC phải được giải quyết ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Không thể giải quyết về trách nhiệm BTTH của TCHNCC ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà phải tách ra bằng một vụ án khác. Bởi lẽ, đa phần tại thời điểm giải quyết vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì thiệt hại từ hậu quả của văn bản công chứng vô hiệu chưa xảy ra trên thực tế (mặc dù chắc chắn rằng thiệt hại sẽ xảy ra) hoặc có xảy ra thì cũng chưa thể xác định cụ thể về mức độ thiệt hại, hay nói cách khác là chưa có định lượng chính xác về thiệt hại. Bên cạnh đó, khi văn bản công chứng bị tuyên bố vô hiệu, trong một số trường hợp, lỗi không hoàn toàn thuộc về công chứng viên, nhân viên…của TCHNCC mà có cả lỗi của người yêu cầu công chứng, người liên quan. Vì thế, nếu giải quyết trách nhiêm bồi thường của TCHNCC thì phải xác định phần lỗi của từng đương sự để xác định phần trách nhiệm. Nhưng thiệt hại thực tế chưa xảy ra hoặc chưa thể xác định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, chính xác về thiệt hại là bao nhiêu, như thế nào nên Tòa án cũng không thể buộc từng đương sự phải chịu phần bồi thường là bao nhiêu. Vì thế, để giải quyết việc bồi thường của TCHNCC được chính xác thì cần phải chờ khi các bên thi hành bản án của vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, thực hiện nghĩa vụ cho nhau đối với hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì lúc này mới xác định được cụ thể thiệt hại thực tế xảy ra. Do đó, trong trường hợp này Tòa án cần phải giải thích và hướng dẫn cho đương sự rút yêu cầu về trách nhiệm BTTH của TCHNCC và khởi kiện bằng một vụ án khác khi thiệt hại thực tế đã xảy ra và đã xác định được cụ thể về định lượng. Nếu đương sự vẫn không rút yêu cầu thì Tòa án yêu cầu họ chứng minh về thiệt hại để có căn cứ giải quyết, nếu họ không chứng minh được thì bác và tách yêu cầu này của họ để họ khởi kiện thành một vụ án khác.
Theo tác giả bài viết này, Bộ luật Tố tụng dân sự và pháp luật liên quan không có quy định nào quy định về việc trách nhiệm BTTH của TCHNCC phải được giải quyết ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay tách ra bằng một vụ án dân sự khác.
Mặt khác, trách nhiệm BTTH là trách nhiệm vật chất, do vậy, phải có định lượng về thiệt hại cụ thể để yêu cầu và để có cơ sở buộc bồi thường. Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp…”. Nói cách khác, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Đương sự yêu cầu giải quyết trách nhiệm BTTH của TCHNCC không thuộc trường hợp ngoại trừ (không có nghĩa vụ chứng minh), nên họ phải có nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho thiệt hại để Tòa án có căn cứ, cơ sở buộc TCHNCC bồi thường.
Vì vậy, trách nhiệm BTTHcủa TCHNCC phải được giải quyết ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay tách ra bằng một vụ án dân sự khác thì phải tùy vào từng trường hợp cụ thể; phụ thuộc vào nội dung, tính chất, kết quả của từng vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; phụ thuộc vào tài liệu, chứng cứ chứng minh cho thiệt hại. Nếu trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, người yêu cầu chứng minh được đầy đủ, rõ ràng, chính xác, có định lượng cụ thể các thiệt hại thực tế xảy ra từ hậu quả của việc văn bản công chứng vô hiệu do lỗi của TCHNCC thì Tòa án giải quyết ngay trong vụ việc đó; còn nếu họ không chứng minh được thì Tòa án tách yêu cầu này của họ thành một vụ án khác.
Ví dụ 1: Trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án xác định được phần lỗi của các bên (bên chuyển nhượng và TCHNCC) dẫn đến văn bản công chứng đối với hợp đồng CNQSD đất vô hiệu. Đồng thời, xác định được thiệt hại mà bên nhận chuyển nhượng phải gánh chịu do giá trị QSD đất tăng lên, khoản tiền mà bên nhận chuyển nhượng đã đầu tư để cải tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất và các thiệt hại vật chất khác, thì ngay trong vụ án, cùng với việc giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công vô hiệu, Tòa án có thể giải quyết yêu cầu về trách nhiệm BTTH của TCHNCC.
Ví dụ 2: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng mà có yêu cầu độc lập của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu và yêu cầu của nguyên đơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TCHNCC do hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu. Mặc dù Tòa án xác định được phần lỗi của các bên (bên thế chấp và TCHNCC) dẫn đến hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu. Đồng thời, Tòa án cũng dự đoán được thiệt hại mà nguyên đơn (tổ chức tín dụng, bên nhận thế chấp) sẽ phải gánh chịu do hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu, đồng nghĩa với việc tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ không còn. Nhưng tại thời điểm giải quyết vụ án, thiệt hại của nguyên đơn chưa xảy ra do nghĩa vụ trả nợ của bị đơn cho nguyên đơn chưa được thực hiện nên chưa biết kết quả của việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị đơn cho nguyên đơn như thế nào, do đó không thể xác định thiệt hại của nguyên là bao nhiêu. Vì vậy, Tòa án cũng chưa có định lượng cụ thể về thiệt hại để giải quyết yêu cầu về trách nhiệm BTTH của TCHNCC.
Trong trường hợp này, để có cơ sở giải quyết về BTTH của TCHNCC cho nguyên đơn thì cần phải căn cứ vào kết quả của việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị đơn cho nguyên đơn theo phán quyết của bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng. Do đó, Tòa án phải tách yêu cầu này của họ để họ khởi kiện thành một vụ án khác.
Thời gian qua, nhận thứcm quan điểm về giải quyết trách nhiệm BTTH của TCHNCC trong vụ việc liên quan đến tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu chưa được thống nhất. Vì vậy, thiết nghĩ, Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể để thống nhất về quan điểm và đường lối xử lý về vấn đề này để Tòa án các cấp vừa giải quyết được toàn diện, triệt để yêu cầu của đương sự nhưng cũng không tự gây khó khăn cho chính mình; để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng vẫn bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử./.
Phan Đình Hải
Thẩm phán TAND thành phố Buôn Ma Thuột
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?