Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội theo luật tố tụng hình sự năm 2015
Cập nhật lúc: 09:37 16/01/2017
Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội; trong đó, việc bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội là yếu tố cơ bản để đánh giá việc bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự.
Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội; trong đó, việc bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội là yếu tố cơ bản để đánh giá việc bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. Ở nước ta, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự được ghi nhận tại tất cả các bản Hiến pháp, từ Hiến pháp năm 1946. Tại các Bộ luật Tố tụng hình sự của nước ta cũng đã ghi nhận việc bảo đảm quyền bào chữa là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự và ngày càng phát triển theo hướng mở rộng hơn đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa. Việc ghi nhận, thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội đồng thời giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự đúng đắn, khách quan, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người không có tội; góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đồng thời thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Bộ luật tố tụng hình sự (sau đấy viết tắt là BLTTHS) năm 2015 đã có các sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Cụ thể: BLTTHS năm 2015 đã xác định người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Theo đó, các chủ thể được bảo đảm quyền bào chữa bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo - mở rộng diện người được bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị bắt so với BLTTHS năm 2003.
Khác với BLTTHS năm 2003, chỉ dành riêng 03 Điều luật riêng biệt để quy định về quyền bào chữa (người bào chữa, lựa chọn và thay đổi người bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa), một số nội dung khác liên quan được quy định lồng ghép, rải rác tại các Điều luật trong Bộ luật, thì tại BLTTHS năm 2015 đã dành một chương (chương V) với 11 Điều, từ Điều 72 đến Điều 82, để quy định các vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội nhằm bảo đảm quyền này được thực hiện tốt, khả thi trong thực tế như quy định về: người bào chữa; quyền và nghĩa vụ của người bào chữa; thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng; lựa chọn người bào chữa; chỉ định người bào chữa; thay đổi hoặc từ chối người bào chữa; thủ tục đăng ký bào chữa, trách nhiệm thông báo cho người bào chữa của cơ quan tiến hành tố tụng; quy định về việc gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam; việc thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. Việc sắp xếp các quy định liên quan đến bào chữa thành một chương riêng tạo sự thống nhất, khoa học của các quy định; đồng thời giúp cho việc áp dụng quy định thuận lợi hơn, khẳng định vị trí quan trọng của bào chữa. Với các điều chỉnh quan trọng trên, BLTTHS năm 2015 đã tạo cơ chế, điều kiện để người có quyền bào chữa, người bào chữa thực hiện tốt quyền của mình; các bên chủ thể trong tố tụng bình đẳng với nhau trong việc thu thập, kiểm tra chứng cứ, bình đẳng trong việc bày tỏ quan điểm, đưa ra các yêu cầu và tranh luận trước các cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời ràng buộc, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa cho người bị buộc tội, bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội
Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 đã ghi nhận một số nguyên tắc mới trong tố tụng hình sự như nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, nguyên tắc suy đoán vô tội và bổ sung làm rõ nội dung một số nguyên tắc khác; tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để các bên trong TTHS tiến hành các hoạt động buộc tội, bào chữa, xét xử một cách bình đẳng; đảm bảo nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa được thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện cho người bị buộc tội thực hiện tốt nhất quyền bào chữa, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2016, số vụ án có sự tham gia của người bào chữa trong tổng số các vụ án hình sự mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là rất ít, chỉ chiếm tỷ lệ 9,35% (1.112/11.893) và các vụ án có người bào chữa chủ yếu là các trường hợp bào chữa theo yêu cầu của Tòa án (bào chữa chỉ định), số vụ án có luật sư tham gia bào chữa theo yêu cầu của khách hàng chiếm tỷ lệ rất thấp. Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013, các luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk đã tham gia bào chữa trong 2.888 vụ án hình sự ở các giai đoạn tố tụng; trong đó, số vụ án tham gia bào chữa theo yêu cầu của khách hàng là 501 vụ, chiếm tỷ lệ 17,35%; số vụ án tham gia bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (bào chữa chỉ định) là 2.387 vụ, chiếm tỷ lệ 82,65%. Với đặc thù của tỉnh nằm ở khu vực Tây Nguyên, tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao (30%), thành phần dân tộc đa dạng (47 dân tộc) với nhiều tập tục khác nhau, tỷ lệ dân cư sống ở khu vực nông thôn lớn và tập trung nhiều ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật nói chung và nhận thức về quyền bào chữa nói riêng của người dân còn nhiều hạn chế. Do đó, để nâng cao hiệu quả áp dụng nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự, bảo vệ tốt hơn quyền con người thì cùng với nỗ lực của cơ quan lập pháp trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật; cần thiết triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như:
Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về về kiến thức pháp luật nói chung và thực hiện quyền bào chữa trong tố tụng hình sự nói riêng, trang bị cho người dân phương tiện giúp họ tuân thủ pháp luật, tự mình bảo vệ những lợi ích chính đáng của bản thân trước nguy cơ bị xâm phạm hoặc đe dọa bị xâm phạm.
Xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; nâng cao nhận thức của cơ quan, người tiến hành tố tụng đối với việc bảo đảm quyền bào chữa và điều kiện vật chất cần thiết cho cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Nâng cao, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề đối với đội ngũ người bào chữa.
Tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các quy định về bảo đảm quyền bào chữa; có cơ chế xử lý nghiêm các vi phạm về bảo đảm quyền bào chữa; qua đó, góp phần giúp cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Phát huy sức mạnh của nhân dân, các tổ chức đoàn thể trong giám sát hoạt động tư pháp.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?