Buôn Hồ: Hòa Giải Vụ Án Dân Sự Tại Cấp Sơ Thẩm Theo Quy Định Của BLTTDS Năm 2015
Cập nhật lúc: 16:15 31/01/2018
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài...”.
Ngày 25-11-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2016. Theo quy định của Bộ luật này thì hòa giải vừa là một trong những nguyên tắc cơ bản vừa là trình tự, thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. Các quy định về hòa giải trong Bộ luật Tố tụng dân sự đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức hòa giải, khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ xác định việc giải quyết các loại vụ án tại tòa án phải thực hiện chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, việc hòa giải trong tố tụng dân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án; là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, là phương thức hiệu quả để bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Hòa giải thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành án, vì phần lớn quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được tự nguyện thi hành; hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hòa giải còn có ý nghĩa làm rõ yêu cầu, tình tiết, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự nhằm giải quyết đúng đắn vụ án trong trường hợp phải mở phiên tòa xét xử; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án. Đồng thời, hòa giải góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự; nâng cao ý thức pháp luật của người dân; giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Năm 2017 đã giải quyết các loại án đạt tỷ lệ 93,2% số án đã thụ lý (425/456 vụ việc). Chất lượng giải quyết được nâng lên rõ rệt. Trong đó, hòa giải thành của các loại án là 214/359 vụ, đạt tỷ lệ 59,6%. Tỷ lệ đưa ra xét xử án dân sự nói chung thấp (59/359 vụ, chỉ chiếm 16,4%).
Một số kinh nghiệm để làm tốt công tác hòa giải:
Thứ nhất: Về trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký Tòa án là phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải khi giải quyết vụ án dân sự để chủ động, tích cực, kiên trì hòa giải, có trách nhiệm tổ chức, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Khi tiến hành hòa giải Thẩm phán phải giải thích, phổ biến đầy đủ, khách quan các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án cho đương sự; phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành. Trình tự, thủ tục hòa giải phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Khi hòa giải bảo đảm dân chủ, bình đẳng, tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận và quyền tự định đoạt của các đương sự; không được lừa dối, cưỡng ép, đe dọa, dùng vũ lực bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của họ.Trong quá trình hòa giải để thời gian cho các bên nói rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào; lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của các bên, đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc để tìm ra những điểm chung, ý kiến trung hòa nhất, sau đó hỏi từng bên xem họ sẽ tự nguyện làm những gì để giải quyết mâu thuẫn. Một thương lượng chính thức nên được đặt ra tại Tòa án để cho các bên lựa chọn, sau khi Thẩm phán phân tích, giải thích có lý, có tình để cho các bên thấy được lợi ích của việc họ hòa giải với nhau.
Thẩm phán lắng nghe các đương sự trình bày ý kiến
Thứ hai: Các Thẩm phán luôn thấm nhuần chủ đề của ngành đã đề ra là “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” và nguyên tắc một vụ việc chỉ được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả cao thông qua hòa giải; một vụ án được hòa giải thành sẽ tạo ra một hậu quả pháp lý rất tốt vì các bên đã tự nguyện hòa giải với nhau thì họ dễ dàng tôn trọng và thực hiện tốt sự thống nhất thỏa thuận đó sẽ tăng cường sự hiểu biết đoàn kết trong nội bộ nhân dân, từ đó chuẩn mực đạo đức xã hội được nâng lên. Do đó, kiên trì hòa giải là một phương châm, một biện pháp quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải mới phải đưa vụ án ra xét xử.
Thứ ba: Trước khi tiến hành hòa giải phải thu thập thông tin, tìm rõ vấn đề mấu chốt của sự việc, nắm vững kiến thức pháp luật và các phong tục tập quán, có liên quan đến vấn đề tranh chấp của các bên đương sự, phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã phường, cơ quan đoàn thể nơi đương sự công tác, cư trú, các cơ sở tôn giáo có uy tín đối với đương sự có tôn giáo, các già làng, trưởng buôn đối với trường hợp đương sự là người dân tộc thiểu số để tác động đến các đương sự trước khi đương sự đến Tòa án hòa giải.
Thứ tư: Để hòa giải đạt kết quả cao thì ngoài kiến thức chuyên môn nghiệp vụ,kỹ năng, phương pháp hòa giải thì Thẩm phán cũng phải có đức tính kiên trì, có kiến thức xã hội sâu rộng, hiểu biết tâm lý con người, có kinh nghiệm trong cuộc sống và phương pháp truyền đạt khéo léo mới mang lại hiểu quả cao trong công việc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?