CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 328 BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO BÊN ĐẶT CỌC KHI HỢP ĐỒNG KHÔNG ĐƯỢC GIAO KẾT VÌ TRỞ NGẠI KHÁCH QUAN
Cập nhật lúc: 08:07 22/08/2023
Đặt cọc là biện pháp bảo đảm cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Phạt cọc là biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho bên đặt cọc hoặc bên nhận cọc, khi bên kia từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, đối với trường hợp hợp đồng không được giao kết, thực hiện vì trở ngại khách quan thì không phạt cọc. Trong trường hợp này, bên đặt cọc thường chịu thiệt hại, mà hiện nay không có quy định nào bảo vệ quyền lợi cho họ.
1. Đặt cọc
Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật dân sự năm 2015 thì đặt cọc là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 nêu khái niệm: “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
2. Quyền, nghĩa vụ của các bên khi đặt cọc
Theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, khi không thực hiện được việc giao kết hợp đồng do một bên từ chối thì bị phạt cọc. Phạt cọc được thực hiện bằng chính tài sản đã đặt cọc khi bên đặt cọc vi phạm nghĩa vụ; bên nhận đặt cọc vi phạm nghĩa vụ thì trả lại cọc và “phạt cọc” bằng một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc hoặc giá trị tài sản khác do các bên thuận.
3. Hậu quả khi hợp đồng không được giao kết vì trở ngại khách quan
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Thực tế hiện nay các trường hợp như bất động sản có phát sinh tranh chấp, bị quy hoạch, vướng mắc về thủ tục pháp lý…dẫn tới hợp đồng không được giao kết, thực hiện thì được coi là trở ngại khách quan.
Đối với trường hợp do sự kiện bất khả kháng thì khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự…”. Còn đối với trường hợp vì trở ngại khách quan thì Bộ luật dân sự, cũng như pháp luật có liên quan không quy định. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì không phạt cọc”. Án lệ số 25/2018/AL đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 cũng xác định “Nếu có căn cứ xác định lỗi dẫn tới việc không thể thực hiện đúng cam kết thuộc về khách quan, thì không phải chịu phạt tiền cọc…”.
Như vậy, nếu hợp đồng không được giao kết vì trở ngại khách quan thì bên đặt cọc chỉ được trả lại tiền cọc mà không bị phạt cọc, cũng như không có có bất kỳ một khoản bù đắp, bồi thường nào. Trong khi trên thực tế, bên nhận đặt cọc có rất nhiều lý do để được coi là trở ngại khách quan, mà nguồn gốc của những lý do đó cũng xuất phát từ bên nhận đặt cọc và tài sản của bên nhận cọc (như đất đai bị quy hoạch, tài sản phát sinh tranh chấp, vướng mắc các thủ tục pháp lý…), còn bên đặt cọc không có lý do nào để được coi là trở ngại khách quan để trì hoãn thời hạn việc giao kết hợp đồng. Do đó, quy định của pháp luật về trở ngại khách quan dường như chỉ bảo vệ cho bên nhận đặt cọc, còn bên đặt cọc thì bị thiệt hại. Như vậy là không công bằng cho bên đặt cọc.
4. Những thiệt hại, tổn thất của bên đặt cọc
- Thiệt hại về vật chất: Khi hết thời hạn đặt cọc mà hợp đồng không được giao kết, thực hiện; các bên không tự thỏa thuận được với nhau về việc xử lý tiền cọc; bên nhận cọc không trả lại tiền cọc cho bên đặt cọc thì mới phát sinh tranh chấp. Khi tranh chấp, quá trình giải quyết các vụ án về đặt cọc, đa phần đều có diễn biến phức tạp, qua nhiều cấp xét xử; bên nhận cọc trốn tránh hoặc cố tình gây khó khăn cho quá trình tố tụng để kéo dài thời gian. Đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, thường phải qua trình tự, thủ tục thi hành án dân sự thì bên đặt cọc mới nhận lại được tài sản đặt cọc. Như vậy, kể từ khi đặt cọc cho đến khi nhận lại được tiền cọc, bên đặt cọc phải trải qua một thời gian rất dài, nhưng bên đặt cọc chỉ nhận lại được đúng số tiền đã đặt cọc mà không có bất cứ khoản bù đắp, bồi thường nào. Lợi dụng quy định của pháp luật, trên thực tế có nhiều trường hợp, mặc dù bên nhận cọc biết hoặc có thể dự liệu được những trở ngại khách quan có thể xẩy ra, nhưng vẫn nhận cọc như một phương thức “huy động vốn”. Không loại trừ có những trường hợp bên nhận cọc “bắt tay” với bên thứ ba để cố tình làm phát sinh tranh chấp; chủ động tạo ra những trở ngại khách quan, nhằm chiếm dụng tài sản của bên đặt cọc trong một thời gian dài để phục vụ cho những nhu cầu, lợi ích của mình.
Điều này gây nên thiệt hại cho bên đặt cọc, đặc biệt đối với những trường hợp tài sản đặt cọc có giá trị rất lớn, thì thiệt hại về vật chất của bên đặt cọc là rất lớn.
- Thiệt hại phi vật chất: Ngoài thiệt hại về vật chất, thì bên đặt cọc còn có thể bị thiệt hại, tổn thất về tinh thần, sức khỏe; danh dự, uy tín, cơ hội kinh doanh, các mối quan hệ làm ăn, thương hiệu…
5. Kiến nghị, đề xuất
Như đã phân tích ở trên, khi hợp đồng không được giao kết vì trở ngại khách quan thì bên đặt cọc sẽ bị thiệt hại. Do đó cần phải có quy định cho phép các bên được quyền thỏa thuận về bồi thường, để bảo vệ quyền lợi cho bên đặt cọc. Điều này cũng có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của bên nhận đặt cọc phải trả lại tài sản đặt cọc ngay sau khi hợp đồng không được giao kết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bên đặt cọc. Đồng thời cũng loại trừ được trường hợp bên nhận đặt cọc cố tình trốn tránh trách nhiệm, chây ì để kéo dài thời gian; gài bẫy để chiếm dụng tiền cọc.
Nhưng vấn đề đặt ra là cơ sở và căn cứ pháp lý nào để chúng ta có có thể bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp trở ngại khách quan mà không xung đột và trái với quy định của pháp luật hiện hành, cũng như trách nhiệm bồi thường như thế nào?
Hiện nay, đối với hợp đồng đặt cọc thì trong Bộ luật dân sự 2015, cũng như các Bộ luật dân sự trước đây và pháp luật có liên quan không có quy định về trách nhiệm trong trường hợp này. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, pháp luật đã dự liệu và tạo hành lang pháp lý cho phép các bên có quyền tự nguyện thỏa thuận với nhau về trách nhiệm trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng. Nói cách khác, khi các bên có thỏa thuận thì thỏa thuận này sẽ được pháp luật cho phép và thừa nhận. Đây là cơ sở pháp lý để chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật để bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường nếu các bên có thỏa thuận cho trường hợp vì trở ngại khách quan.
- Về mức bồi thường: Đây là trường hợp bồi thương thiệt hại theo hợp đồng, nên các bên có quyền thỏa thuận về mức bồi thường trong hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, để tránh trường hợp các bên thỏa thuận mức bồi thường quá lớn, gây thiệt hại ngược lại cho bên nhận cọc, hoặc các bên có thoả thuận về bồi thường, nhưng không xác định rõ mức bồi thường và có tranh chấp, thì pháp luật cũng cần quy định giới hạn về mức bồi thường và xác định mức bồi thường khi có tranh chấp. Do đó, chúng ta có thể áp dụng mức bồi thường theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 của số tiền đặt cọc là phù hợp.
Từ những lý do, tính cấp thiết và căn cứ pháp lý như đã phân tích trên, tác giả kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 về đặt cọc, như sau:
“3. Các bên có quyền thỏa thuận về bồi thường trong trường hợp hợp đồng không được giao kết vì trở ngại khách quan. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về mức bồi thường thì mức bồi thường theo thỏa thuận không được vượt quá mức lãi suất 20%/năm của khoản tiền đặt cọc. Trường hợp mức bồi thường theo thỏa thuận vượt quá mức lãi suất 20%/năm thì mức bồi thường vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thoả thuận về bồi thường, nhưng không xác định rõ mức bồi thường và có tranh chấp về mức bồi thường thì mức bồi thường được xác định bằng 50% mức bồi thường giới hạn quy định tại khoản này tại thời điểm trả lại tiền cọc.”
Trên đây là nhận thức, quan điểm của người viết về vấn đề cần bổ sung quy định để bảo vệ quyền lợi cho bên đặt cọc khi hợp đồng không được giao kết vì trở ngại khách quan, qua đó góp phần làm lành mạnh hóa các giao dịch đặt cọc; bảo vệ công lý, lẽ công bằng.
Rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý từ các đồng nghiệp.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?