Đình chỉ bằng Quyết định riêng hay đình chỉ trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi đương sự rút một phần yêu cầu, rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập?

Cập nhật lúc: 16:39 19/04/2021

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về dân sự xảy ra nhiều trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, người phản tố rút yêu cầu phản tố, người yêu cầu độc lập rút yêu cầu độc lập trước khi hoà giải hoặc khi tiến hành hoà giải và các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án (Hoà giải thành) thì Đình chỉ yêu cầu bằng Quyết định riêng hay đình chỉ trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ?

Ví dụ: Ngày 12/01/2021, bà Trần Thùy L nộp đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Đỗ Đức M trả cho bà số tiền đã vay là 1.500.000.000 đồng theo giấy xác nhận công nợ ngày 09/12/2020 là 1.000.000.000 đồng và giấy xác nhận công nợ ngày 11/10/2020 là 500.000.000 đồng, Toà án thụ lý vụ án. Ngày 28/01/2021, bị đơn ông Đỗ Đức M có đơn phản tố, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà L trả  400.000.000 đồng mà ông đã trả cho ông Trần Văn C thay bà L. Ngày 03/02/2021 Ông Trần Văn C khởi kiện yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết Buộc bà Trần Thuỳ L trả cho ông 500.000.000 đồng mà bà L nợ của ông. Toà án thụ lý yêu cầu phản tố của ông M và yêu cầu độc lập của ông C.

Trong ví dụ trên có hai tình huống xảy ra:

-Tình huống thứ nhất: Trước khi tiến hành công khai chứng cứ và hoà giải, bà  Bà Trần Thuỳ L rút một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu ông Đỗ Đức M trả cho bà số tiền 500.000.000 đồng theo giấy xác nhận công nợ ngày 11/10/2020. Ông Đỗ Đức M rút yêu cầu phản tố, ông Trần Văn C rút yêu cầu độc lập, Tòa án tiến hành hòa giải thành.

-Tình hống thứ hai: Tại phiên hoà giải Bà Trần Thuỳ L rút một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu ông Đỗ Đức M trả cho bà số tiền 500.000.000 đồng theo giấy xác nhận công nợ ngày 11/10/2020. Ông Đỗ Đức M rút yêu cầu phản tố, ông Trần Văn C rút yêu cầu độc lập, Tòa án tiến hành hòa giải thành.

Vấn đề đặt ra là khi Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, ghi nhận sự thoả thuận của các đương sự và đình chỉ về việc rút một phần yêu cầu của bà L, yêu cầu phản tố của ông M, yêu cầu độc lập của ông C hay đình chỉ việc rút một phần yêu cầu của bà L, yêu cầu phản tố của ông M, yêu cầu độc lập của ông C bằng quyết định riêng?

Qua ví dụ trên, hiện nay có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Toà án phải ra quyết định đình chỉ đối với các yêu cầu đã rút và ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vì nếu ghi nhận và đình chỉ việc rút yêu cầu trong quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự là không đúng quy định của pháp luật, làm mất quyền kháng cáo, kháng nghị đối với phần đình chỉ về việc rút yêu cầu. Bởi lẽ:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Còn việc hoà giải thành các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án, thì Tòa án ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vì Quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của người viết:  Khi có người rút yêu cầu thì không ra quyết định đình chỉ riêng đối với các yêu cầu đã rút mà trong Quyết định công nhận thuận sự thỏa thuận của các đương sự ghi nhận sự thoả thuận của đương sự và ghi đình chỉ đối với các yêu cầu mà nguyên đơn, bị đơn, người yêu cầu độc lập rút  yêu cầu là hoàn toàn  phù hợp quy định của pháp luật bởi các lý do sau:

Thứ nhất: Về nguyên tắc một vụ án, không thể có hai hay nhiều quyết định để giải quyết vụ án. Nếu trường hợp vụ án có nhiều bị đơn có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập sau đó rút yêu cầu vào các thời điểm khác nhau thì Tòa án không thể ban hành nhiều quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì Bộ luật tố tụng dân sự quy định chỉ đình chỉ giải quyết vụ án.

Thứ hai: Khi có đương sự rút yêu cầu (trước khi hòa giải hoặc trong khi hoà giải và các đương sự đều có mặt) thì Thẩm phán ghi nhận vào biên bản hoà giải và biên bản hoà giải thành và đây được xem là sự thoả thuận của các đương sự và hết thời hạn 7 ngày nếu không có đương sự thay đổi ý kiến thì Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận đương sự ghi đình chỉ đối với các yêu cầu mà nguyên đơn, bị đơn, người yêu cầu độc lập rút  yêu cầu là phù hợp với Điều 211 và Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự và phù hợp với tinh thần hướng dẫn tại mục 7 phần IV Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Toà án nhân dân tối cao.

Thứ ba: Trường hợp người có yêu cầu độc lập có đơn rút yêu cầu trước khi hoà giải và khi hoà giải vắng mặt thì Thẩm phán ghi nhận vào biên bản hoà giải và biên bản hoà giải thành việc người có yêu cầu độc lập có đơn rút yêu cầu. Đơn rút yêu cầu này được xem như đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản và các đương sự khác không có kiến gì trái với ý kiến của người yêu cầu độc lập rút đơn và hết thời hạn 7 ngày nếu không có đương sự thay đổi ý kiến thì Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận đương sự ghi đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu mà nguyên bị đơn, người yêu cầu độc lập rút  yêu cầu là phù hợp với tinh thần hướng dẫn tại đoạn 3 khoản 3 Điều 17 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Bộ luật tố tụng dân sự chưa quy định cụ thể trường hợp này, đây là nhận thức của cá nhân. Do vậy, người viết rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các quý đồng nghiệp và độc giả để việc nhận thức pháp luật được thống nhất.

Nguyễn Văn Anh -TAND TX Buôn Hồ, Đắk Lắk