Giữ người trong trường hợp khẩn cấp có được khấu trừ vào thời hạn tạm giam không?

Cập nhật lúc: 15:06 30/09/2019

Giữ người trong trường hợp khẩn cấp có được khấu trừ vào thời hạn tạm giam không?

“Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” là biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Biện pháp này thay thế cho biện pháp “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp” được quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì trong các trường hợp bắt khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền được phép bắt người trước, sau đó mới gửi hồ sơ, thủ tục sang để đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát” nên việc tiếp tục giữ nguyên quy định về biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp sẽ không đảm bảo được quy định của Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, việc Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định biện pháp “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” thay cho biện pháp “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp” là phù hợp.

Tại khoản 4 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Ví dụ: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố B ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trường G do phát hiện G có hành vi trộm cắp tài sản, biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp vào lúc 16 giờ ngày 08/4/2019 đến 03 giờ ngày 09/4/2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố B ra Quyết định tạm giữ và Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp . Ngày 10/4/2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố B ra Quyết định khởi tố vụ án bị can và Lệnh tạm giam đối với G, thời hạn tạm giam là 03 tháng.

Như vậy, tính từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là không quá 12 giờ, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ đến khi ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là gần 12 giờ thì có đảm bảo theo quy định pháp luật không? Thời gian tạm giữ được trừ vào thời gian tạm giam, nhưng thời gian bị giữ khi chưa có quyết định tạm giữ thì như thế nào? Nếu không được tính vào thời hạn tạm giữ để được trừ vào thời hạn tạm giam thì ảnh hưởng đến quyền của người bị tạm giữ. Đây là vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng luật; bởi lẽ, thời điểm giữ người trong trường hợp khẩn cấp phát sinh trước khi có quyết định tạm giữ. 

Do quy định mang tính tùy nghi nên thực tế có 2 quan điểm áp dụng khác nhau khi tính thời hạn tạm giữ trong trường hợp Cơ quan cảnh sát điều tra ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:

Như ví dụ trên nếu theo quan điểm 1 thì Quyết định tạm giữ phải ghi thời hạn tạm giữ là 03 ngày, tính từ 16 giờ ngày 08/4/2019 đến 16 giờ ngày 11/4/2019. Trên lệnh tạm giam phải ghi thời hạn tạm giam là 02 tháng 28 ngày kể từ ngày 10/4/2019 (đã trừ 02 ngày tạm giữ)

Nếu theo quan điểm 2 thì Quyết định tạm giữ phải ghi thời hạn tạm giữ là 03 ngày được tính từ 03 giờ ngày 09/4/2019 đến 03 giờ ngày 12/4/2019. Trên lệnh tạm giam phải ghi thời hạn tạm giam là 02 tháng 29 ngày kể từ ngày 10/4/2019 (đã trừ 01 ngày tạm giữ)

Theo quan điểm cá nhân tôi thì tôi đồng ý quan điểm 1: Về thời hạn quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải được tính từ khi lập biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp, có như thế mới đảm bảo quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp cũng là một biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Cũng làm hạn chế một số quyền công dân, quyền con người như: Tự do đi lại, tự do cư trú, quyền được phát ngôn…;  Trên cơ sở đó cần vận dụng Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự để tính cả thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp vào trong thời hạn tạm giữ để được khẩu trừ vào thời hạn tạm giam, nhằm đảm bảo tốt hơn nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.

Phạm Thị Kim Cúc