Hiểu và áp dụng Điều 47, Điều 48 BLHS năm 2015 và Điều 106 BLTTHS 2015 như thế nào cho đúng!
Cập nhật lúc: 10:40 11/02/2020
Quá trình giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc định tội danh, quyết định hình phạt còn phải xử lý vật chứng, áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, cũng như giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Quy định của pháp luật về biện pháp tư pháp trong Bộ luật hình sự (BLHS) và xử lý vật chứng quy định ở Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) về tài sản, có rất nhiều điểm tương đồng về đối tượng xử lý như:
- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
- Vật cấm lưu hành;
- Tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt;
- Tài sản do phạm tội mà có;
- Vật, tiền bạc thuộc sở hữu Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Trong thực tiễn vấn đề nhận thức và áp dụng hai chế định này khi giải quyết vụ án hình sự vẫn còn nhiều lúng túng. Khi nào áp dụng Điều 47 BLHS, khi nào áp dụng khoản 2 Điều 106 BLTTHS? Để hiểu và áp dụng đúng, chúng ta cần phân biệt giữa Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS.
* Trước tiên nói về biện pháp tư pháp:
Biện pháp tư pháp là biện pháp hình sự được BLHS quy định, do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, nhằm hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt (quy định tại các điều 47, 48 và 49 BLHS năm 2015).
Như vậy với vai trò, tác dụng là hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt nên một trong những đặc điểm riêng biệt của biện pháp tư pháp đó là đối tượng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp tư pháp chỉ có thể là Hội đồng xét xử, nó khác với xử lý vật chứng quy định tại Điều 106 BLTTHS thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cả ba giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.
Về xử lý vật chứng: quy định tại Điều 106 BLTTHS năm 2015
Vật Chứng được BLTTHS quy định tại Điều 89 “là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”
Đồng thời BLTTHS cũng quy định về thu thập vật chứng tại Điều 105, theo đó “vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án” và bảo quản vật chứng theo quy định tại Điều 90.
Như vậy vật chứng của vụ án là những vật hoặc tiền bạc liên quan đến tội phạm, đối với những vật chứng mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập được thì xử lý theo quy định tại Điều 106 BLTTHS, còn những vật, tiền bạc cũng liên quan đến vụ án, nhưng Cơ quan điều tra không thu thập được, thì cần áp dụng các quy định của BLHS tại “Mục các biện pháp tư pháp” để xử lý.
Với những quy định như đã nêu trên, chúng ta cần hiểu xử lý vật chứng là một hoạt động tố tụng, là quy định bắt buộc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng là vi phạm tố tụng.
So sánh giữa khoản 1 Điều 47 BLHS và khoản 2 Điều 106 BLTTHS liên quan đến xử lý tài sản:
Điều 47 BLHS.Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
Điều 106 BLTTHS. Xử lý vật chứng
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a)Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b)Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc mua bán đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c)Vật thuộc Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a)Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
b)Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c)Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu tiêu hủy.
Với quy định tại hai điều luật nêu trên về xử lý tài sản liên quan đến tội phạm, chúng ta thấy có rất nhiều điểm giống nhau về đối tượng, về cách thức xử lý nên nếu không hiểu rõ về bản chất của hai chế định này sẽ dẫn đến áp dụng sai hoặc áp dụng khi thiếu, khi thừa trong bản án. Thông thường khi xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát thường đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng cả quy định về biện pháp tư pháp và quy định về xử lý vật chứng để xử lý tài sản liên quan đến tội phạm, mà không tách bạch khi nào áp dụng Điều 47 BLHS, khi nào áp dụng điều 106 BLTTHS.
Do vậy trong bản án hình sự, có lúc Thẩm phán áp dụng cả Điều 47 và Điều 106 để tuyên tịch thu tiêu hủy; tịch thu sung công quỹ nhà nước đối với vật hoặc tiền bạc là công cụ, phương tiện phạm tội mà Cơ quan điều tra đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Khi lại áp dụng khoản 2 Điều 106 BLTTHS để tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước đối với tài sản là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc khoản tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà Cơ quan điều tra chưa thu thập được…
Để làm rõ vấn đề này xin nêu một ví dụ: Nguyễn Văn A dùng địa điểm là căn phòng thuộc sở hữu của gia đình mình cho 10 người khác đánh bạc, lấy tiền xâu. Khi Công an bắt thu giữ một chén, đĩa và một bộ vị mà các con bạc dùng để đánh xóc đĩa ăn tiền; thu trên chiếu bạc 20 triệu đồng. Quá trình điều tra A khai trong khi đánh bạc A thu tiền xâu được 800.000 đồng. A bị truy tố về tội “Gá bạc” theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 1999, những người còn lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc” theo Điều 248 BLHS năm 1999.
Trong vụ án này vật chứng của vụ án mà Cơ quan điều tra đã thu thập được là bộ chén đĩa, con vị và 20 triệu đồng. Đây là công cụ, phương tiện phạm tội, là vật chứng của vụ án mà Cơ quan điều tra đã thu được. Do vậy áp dụng các điểm a, c khoản 2 Điều 106 BLTTHS để tuyên tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước đối với số tiền 20 triệu và tuyên tịch thu tiêu hủy đối với bộ chén đĩa và con vị. Còn giá trị căn phòng mà A đã cho các con bạc sử dụng để đánh bạc cũng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội và số tiền thu lợi bất chính 800.000 đồng từ việc phạm tội mà A chưa tự nguyện giao nộp, chúng ta không thể áp dụng Điều 106 BLTTHS để xử lý mà cần áp dụng điểm a,b khoản 1 Điều 47 BLHS để tuyên tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.
Cũng liên quan đến vấn đề về tài sản khi giải quyết vụ án hình sự còn có quy định tại Điều 48 BLHS năm 2015 và các quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) khi buộc người phạm tội phải trả lại tài sản, buộc bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội gây ra. Vậy khi nào áp dụng Điều 48 BLHS, khi nào áp dụng các quy định của BLDS, hoặc áp dụng cả Điều 48 BLHS và các quy định của BLDS để buộc bồi thường thiệt hại?... Việc này cần căn cứ vào các tình tiết cụ thể trong vụ án để quyết định, vì nó liên quan đến vấn đề buộc bị cáo phải chịu án phí dân sự đối với số tiền phải bồi thường (đối với áp dụng biện pháp tư pháp bị cáo không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, nếu áp dụng cả Điều 48 BLHS và các quy định của BLDS để buộc bồi thường thì bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm)
Trên đây là nhận thức của bản thân về hiểu và áp dụng quy định xử lý vật chứng tại Điều 106 BLTTHS và các biện pháp tư pháp quy định trong BLHS năm 2015 trong giải quyết vụ án hình sự, rất mong được sự trao đổi của bạn đọc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?