Hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình

Cập nhật lúc: 16:38 10/02/2020

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, các quy định của pháp luật Việt Nam về lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã tương đối hoàn thiện. Qua các văn bản pháp luật thấy rằng dưới chế độ của Nhà nước ta hiện nay, các quyền cơ bản của công dân trong về hôn nhân và gia đình (quyền kết hôn, quyền khởi kiện ly hôn, quyền tự thỏa thuận, quyền được xét xử công bằng, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng…) được pháp luật ghi nhận đã thật sự tân tiến, phù hợp với sự phát triển chung.

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng trong cuộc sống và trong hoạt động giải quyết, xét xử các vụ, việc hôn nhân và gia đình đã phát hiện những tồn tại, thiếu sót của Luật HNGĐ năm 2014 nói riêng và pháp luật về hôn nhân gia đình nói chung có một số điểm cần phải hoàn thiện hơn. Cụ thể như sau:

- Về hiện tượng sống thử trước hôn nhân: Sự tiến bộ của xã hội Việt Nam ngày nay đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân rất nhiều, nhất là quan niệm về tình yêu trong giới trẻ. Thực tế cho thấy ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn có rất nhiều trường hợp nam nữ sinh viên, công nhân sống chung trước hôn nhân (tuy nhiên đến nay cũng chưa có cơ quan, tổ chức đứng ra thống kê được tỷ lệ này, do việc thống kê là rất khó khăn). Trước thực trạng việc sống chung, sống thử nhưng pháp luật cũng chưa có quy định, không có gì đảm bảo chắc chắn về quyền lợi của mỗi cá nhân đã và phát sinh nhiều tranh chấp gay gắt, phức tạp trong đời sống xã hội, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng về đạo đức, luân lý tốt đẹp của người Việt.

- Về hôn nhân đồng giới: Luật HNGĐ đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhằm không vi phạm quyền con người, tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính; mặt khác nếu quy định cấm đồng nghĩa phải quy định chế tài xử phạt. Tuy nhiên việc bỏ quy định này lại dẫn đến một tình trạng pháp luật là “không cấm, cũng không công nhận” và việc bỏ lửng, có khoảng trống pháp luật như thế trong một xã hội luôn vận động và đã phát sinh rất nhiều quan hệ hôn nhân đồng giới thật sự gây khó khăn trong công tác thực thi và áp dụng pháp luật để điều chỉnh một mối quan hệ xã hội mới một cách triệt để..

- Về độ tuổi kết hôn: Luật HNGĐ năm 2014 quy định độ tuổi được kết hôn của nữ phải từ đủ 18 tuổi, nam phải từ đủ 20 tuổi (Luật HNGĐ năm 2000 quy định nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi), quy định này nhằm đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định: “Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên”, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý; “Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ hành vi tố tụng dân sự.”.

Việc quy định độ tuổi được kết hôn của nữ phải từ đủ 18 tuổi, nam phải từ đủ 20 tuổi và có sự chênh lệch 02 tuổi giữa nam và nữ cũng phù hợp với tiêu chí một số nước trên thế giới. Tuy nhiên xét từ góc độ pháp luật thì nên sửa đổi tuổi kết hôn theo hướng nam, nữ đều đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn. Quy định  như vậy vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất pháp luật trong công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên, có năng lực pháp luật để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong các quan hệ xã hội khác ngoài lĩnh vực dân sự…

Dưới góc nhìn cá nhân người thực hiện công tác pháp luật và đồng quan điểm của một số nhà nghiên cứu pháp luật, tác giả bài viết nhận thấy việc sớm có những quy định cụ thể trong Luật HNGĐ hay văn bản dưới luật để hướng dẫn, điều chỉnh những quan hệ thực tiễn phát sinh ngoài xã hội như đã nêu trên là thật sự cần thiết.

Vũ Đức - TAND TP. BMT