Khó khăn trong việc áp dụng quy định lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án trong vụ án Dân sự
Cập nhật lúc: 10:34 09/05/2022
Thực tiễn hiện nay rất nhiều trường hợp vụ án có đương sự không chấp hành việc triệu tập lấy lời khai tại trụ sở Tòa án mà Thẩm phán phải tiến hành lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở.
Lấy lời khai của đương sự là một trong những biện pháp xác minh, thụ thập chứng cứ được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự. Thực tiễn hiện nay rất nhiều trường hợp vụ án có đương sự không chấp hành việc triệu tập lấy lời khai tại trụ sở Tòa án mà Thẩm phán phải tiến hành lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở. Tại khoản 2 Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “…Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản…”
Quy định nêu trên của Bộ Luật tố tụng Dân sự trên thực tế đang gây ra nhiều khó khăn cho người tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Bởi các lý do sau:
Một là: Chủ thể lấy lời khai của đương sự trong vụ án dân sự là chủ thể đặc biệt – tức là Thẩm phán (là người mang chức danh tư pháp). Không phải ai cũng có thể lấy lời khai của đương sự (ví dụ Thư ký Tòa án cũng là người mang chức danh tư pháp nhưng không thể tự mình lấy lời khai của đương sự). Việc lấy lời khai tại trụ sở Tòa án và lấy lời khai ngoài trụ sở Tòa án về cơ bản là hoàn toàn giống nhau. Thẩm phán lấy lời khai trước nhất đã là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố tụng của mình.Vì vậy, việc bắt buộc cần người làm chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương đôi khi là không cần thiết.
Hai là: Việc lấy lời khai dù là trong hay ngoài trụ sở Tòa án đều mang ý nghĩa ghi nhận ý kiến của đương sự. Trước khi lấy lời khai, Thẩm phán đã phải giải thích quyền và nghĩa vụ cho đương sự. Có nghĩa là chỉ khi đương sự đồng ý thì Thẩm phán mới lấy được lời khai của đương sự. Kết thúc biên bản đương sự đã đồng ý xác nhận đúng nội dung thì theo quan điểm của người viết không cần phải có xác nhận của chính quyền địa phương hay người làm chứng nữa. Chỉ trừ trường hợp việc lấy lời khai của một số chủ thể đặc biệt như người chưa thành niên… mới cần phải tuân thủ các quy định về người đại diện, giám hộ…
Ba là: Cần phải khẳng định rằng Biên bản lấy lời khai ngoài trụ sở Tòa án có xác nhận của người làm chứng hay xác nhận của chính quyền địa phương sẽ nâng cao tính khách quan. Tuy nhiên thực tế hiện nay việc mời chính quyền địa phương hay người làm chứng tham gia chứng kiến việc Tòa án lấy lời khai của đương sự là hết sức khó khăn vì công việc tại địa phương cũng rất nhiều, cán bộ tại chỗ mỏng hoặc tâm lý ngại va chạm của nhiều người dân. Mặt khác, chỉ riêng việc Thẩm phán có thể gặp, làm việc được với đương sự đôi khi cũng đã hết sức khó khăn, thế nhưng khi gặp được rồi lại không có chính quyền địa phương hay người khác chứng kiến, xác nhận thì việc lấy lời khai không đạt được kết quả, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Để khắc phục những khó khăn trên, theo quản điểm của người viết cần điều chỉnh quy định về việc lấy lời khai ngoài trụ sở Tòa án theo hướng khuyến khích sự tham gia của người làm chứng, đại diện chính quyền địa phương khi Thẩm phán lấy lời khai chứ không cần quy định là điều kiện bắt buộc.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?