Một số kiến nghị sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015
Cập nhật lúc: 00:53 19/01/2017
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 27/11/2015. Việc thông qua BLHS 2015 góp phần đảm bảo phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013; phát huy hơn nữa vai trò của BLHS
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 27/11/2015. Việc thông qua BLHS 2015 góp phần đảm bảo phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013; phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta[1]. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật và Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015, đã phát hiện ra một số sai sót cần phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quy định chuẩn bị phạm tội tại Điều 14 BLHS: tại khoản 2 Điều 14 liệt kê các tội mà người chuẩn bị phạm tội một trong số các tội này phải chịu trách nhiệm hình sự. Và trong danh sách liệt kê không có tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định tại Điều 207 BLHS. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 207 thì “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”. Như vậy quy định giữa khoản 2 Điều 14 và khoản 4 Điều 207 của BLHS là chưa thống nhất. Do đó, cần bổ sung Điều 207 vào điểm d khoản 2 Điều 14.
Thứ hai, về quy định quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng tại Điều 54: tại khoản 3 Điều 54 quy định “Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn...”.
Theo đó, đối với những trường hợp có đủ điều kiện để áp dụng theo quy định tại điều này thì Hội đồng xét xử sẽ quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn nếu điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt được áp dụng là khung hình phạt nhẹ nhất mà không phải là mức hình phạt nhẹ hơn. Ví dụ điều luật có khung hình phạt nhẹ nhất là từ “06 tháng đến 03 năm” thì sẽ quyết định chuyển sang hình phạt khác như hình phạt cải tạo không giam giữ mà không thể quyết định mức hình phạt dưới 06 tháng. Thiết nghĩ, quy định này là chưa thực sự linh hoạt bởi lẽ khung hình phạt nhẹ nhất không có nghĩa là mức hình phạt nhẹ nhất. Như vậy, trong một số trường hợp, Tòa án không thể quyết định mức hình phạt dưới 06 tháng mặc dù quyết định này phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo mà phải chuyển sang hình phạt khác.
Vì vậy, đề xuất giữ nguyên hướng quy định như tại Điều 47 BLHS năm 1999 là “Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn”.
Thứ ba, về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Điều 107: theo quy định tại khoản 2 Điều 107 thì “Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.” Và tại điểm c khoản 2 Điều 70 quy định các trường hợp đương nhiên được xóa án tích (áp dụng chung), theo đó: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn “03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm”.
Như vậy quy định về việc xóa án tích tại Điều 70 căn cứ vào mức hình phạt đã tuyên còn Điều 107 lại quy định căn cứ vào loại tội bị kết án là không thống nhất; đồng thời thời hạn để xóa án tích giữa người chưa thành niên phạm tội tương tự như người đã thành niên phạm tội, chưa thể hiện đúng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Do đó, đề xuất sửa khoản 2 Điều 107 theo hướng: “Người tử đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị phạt tù từ 07 năm trở lên thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.”
Thứ tư, đối với quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 thì việc xác định cấu thành cơ bản là khoản 1 hay khoản 4 không cụ thể, dẫn đến cách hiểu không thống nhất. Cụ thể:
Tại khoản 1 Điều này quy định khung hình phạt là “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Tại khoản 2, khoản 3 thì mức hình phạt tăng lên lần lượt là “phạt tù từ 03 năm đến 10 năm” và “phạt tù từ 07 năm đến 15 năm” nhưng tại khoản 4 thì mức hình phạt lại giảm xuống ở mức “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Như vậy, có quan điểm cho rằng quy định tại khoản 1 là cấu thành cơ bản, khoản 2 và khoản 3 quy định các cấu thành tăng nặng, còn khoản 4 quy định cấu thành giảm nhẹ. Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng khoản 4 là cấu thành cơ bản nên dẫn đến khó áp dụng trên thực tế. Ví dụ: trường hợp hành vi phạm tội thuộc khoản 4 Điều 260 (ví dụ gây thương tích cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% nhưng có 01 tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 (ví dụ không có giấy phép lái xe) thì Tòa án phải xét xử ở khoản 2 hay khoản 4? Như vậy, rõ ràng là không hợp lý về kỹ thuật lập pháp hình sự.
Tương tự như vậy, quy định tại các Điều 261 (khoản 1, khoản 4), 265 (khoản 1, khoản 5); Điều 267 (khoản 1, khoản 5), Điều 272 (khoản 1, khoản 5), Điều 278 (khoản 1, khoản 4), Điều 298 (khoản 1, khoản 4), Điều 309 (khoản 1, khoản 5).
Bên cạnh đó, điều luật cũng chưa quy định các trường hợp vi phạm quy định về tham gia giao thông gây ra các hậu quả như: làm chết 01 người và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với các tỷ lệ từ 31 đến 60%, 61% trở lên hoặc hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d khoản 1; làm chết hai người và và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với các tỷ lệ từ 31 đến 60%, 61% trở lên hoặc hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d khoản 1. Điều này dẫn đến việc nếu luật có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật sẽ không thống nhất.
Quy định về mức hình phạt tại khoản 4 và khoản 5 chưa công bằng, cụ thể: mức hình phạt cao nhất ở khoản 5 lại thấp hơn khoản 4 trong khi khoản 5 chỉ là “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả” còn khoản 4 thì đã gây hậu quả thực tế. Tương tự là quy định tại các Điều 261 (khoản 4, khoản 5), 272 (khoản 4, khoản 5).
Thứ năm, quy định về tội Điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt tại Điều 270 và tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt tại Điều 271: tại khoản 1 Điều 270 quy định “Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép lái tàu, …” và tại khoản 1 Điều 271 quy định “Người nào giao cho người không có giấy phép lái tàu, …”
Như vậy cùng 01 hành vi “giao cho người không có giấy phép lái tàu, …” nhưng được quy định tại cả 02 Điều 270 và 271 là trùng lặp.
Thứ sáu, về kỹ thuật lập pháp: trong Bộ luật còn tồn tại một số lỗi kỹ thuật cần được biên tập lại cho thống nhất. Ví dụ :
+ Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12: Tại khoản 2 điều này liệt kê các trường hợp, theo đó người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đối với các tội này, trong đó có Điều 285. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 285 thì khung hình phạt cao nhất đối với tội này là 07 năm tù (không thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng). Nên việc viện dẫn Điều 285 tại điểm đ khoản 2 Điều 12 là không chính xác và cần bỏ liệt kê Điều 285 tại điểm đ khoản 2 Điều 12.
+ Quy định về tội sử dụng trái phép tài sản tại Điều 177: tại khoản 1 điều này có dẫn chiếu Điều 220 “…hoặc tài sản là di sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ …”. Tuy nhiên Điều 220 quy định về tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), không liên quan đến tội phạm quy định tại Điều 177 nên việc dẫn chiếu Điều 220 trong nội dung điều luật này là không chính xác. Do đó, đề xuất sửa khoản 1 Điều 177 như sau “…nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 345 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ …”.
+ Quy định về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng tại Điều 233 có sự trùng lặp về diện tích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng giữa điểm d khoản 2 với điểm b khoản 3 là 15.000m2 đối với rừng phòng hộ hoặc 12.000m2 đối với rừng đặc dụng. Như vậy trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật với diện tích 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc 12.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng thì sẽ không xác định được là giải quyết theo quy định tại khoản 2 hay khoản 3 Điều 233. Đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định này theo hướng: thêm từ “dưới” trước cụm “15.000m2 đối với rừng phòng hộ” tại điểm d khoản 2 hoặc thêm từ “trên” trược cụm “15.000m2 đối với rừng phòng hộ” tại điểm b khoản 3 điều này.
+ Quy định về các tội phạm về ma túy: tại Điều 249 có sự trùng lặp về tình tiết “Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam” tại điểm h khoản 2 và điểm c khoản 3. Tương tự tại Điều 250, trùng lặp tình tiết “Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam” tại điểm d khoản 1 và điểm i khoản 2; tại Điều 252, trùng lặp tình tiết “Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam” tại điểm d khoản 1 và điểm h khoản 2.
+ Quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự tại Điều 304 lại bỏ lọt, thiếu điều chỉnh hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ trên 30 kilôgam đến 31 kilôgam. Cụ thể: tại điểm b khoản 2 quy định tình tiết “Vật phạm pháp có số lượng: …, từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại”; tại điểm đ khoản 2 Điều 304 lại quy định “Vật phạm pháp có số lượng: …, từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại”.
Tương tự quy định tại Điều 305 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ bỏ lọt hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sở dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ từ trên 30 kilôgam đến 31 kilôgam. Cụ thể: tại điểm b khoản 2 Điều 305 quy định tình tiết “Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam”. Tại điểm a khoản 3 Điều 305 lại quy định “Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam”.
+ Quy định về tội ra bản án trái pháp luật tại Điều 370 có sự trùng lặp về định lượng thiệt hại 1.000.000 đồng giữa điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3. Cụ thể: tại điểm e khoản 2 quy định “Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng” và điểm đ khoản 3 quy định “Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.”
+ Quy định về tội Che giấu tội phạm tại Điều 389 dẫn chiếu sai cả về điều luật và tội danh. Cụ thể: Tại điểm g khoản 1 đã dẫn chiếu 2 lần đối với Điều 299 nhưng với hai tội danh khác nhau là Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự) và Điều 299 (tội khủng bố). Trong khi, tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304.
+ Quy định tại Điều 200 về tội trốn thuế nhưng tại khoản 1 lại viện dẫn các Điều từ 248 đến Điều 254 thuộc các tội phạm về ma túy; các Điều 304, 305, 306, 309, 311 thuộc các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng là không chính xác.
Trên đây là những vướng mắc, bất cập của BLHS năm 2015 và những kiến nghị hoàn thiện để việc áp dụng pháp luật đảm bảo tính khả thi; góp phần đấu tranh ngăn chặn tội phạm có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?