Một số quy định mới về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo Bộ luật dân sự năm 2015
Cập nhật lúc: 18:55 10/03/2017
Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thay thế Bộ luật dân sự năm 2005, với nhiều nội dung mới nổi bật. Trong đó phải kể đến quy định về lãi suất hợp đồng vay tài sản.
Về cơ bản, quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản của Bộ luật dân sự năm 2005 hay Bộ luật dân sự năm 2015 thì các bên đều được quyền thỏa thuận, tuy nhiên, việc thỏa thuận này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh tình trạng cho vay nặng lãi và việc quy định mức trần lãi suất sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về lãi suất hoặc trong trường hợp không có cơ sở xác định rõ mức lãi đã thỏa thuận.
Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo Bộ luật dân sự năm 2015 có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, về mức lãi suất:
- Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cụ thể mức trần lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Đối chiếu với quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005 thì mức lãi suất mà các bên được quyền thỏa thuận không quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ, theo quy đinh tại Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì mức lãi suất cơ bản hiện nay là 9%/năm, do đó, mức lãi suất mà các bên được quyền thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 là không được vượt quá 13,5%/năm. Như vậy, so với quy định trước đây thì Bộ luật dân sự năm 2015 xác định cụ thể mức trần lãi suất, mức trần lãi suất này cao hơn và không phụ thuộc vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
- Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định cụ thể hậu quả pháp lý trong trường hợp các bên thỏa thuận vượt quá mức lãi suất mà pháp luật cho phép nên dẫn đến tình trạng các bên tham gia giao dịch dân sự không lường trước được hậu quả pháp lý. Để khắc phục hạn chế này khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung quy định: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Việc ghi nhận rõ nội dung này giúp cho các bên hiểu và xác định rõ được hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất.
Thứ hai, lãi suất trong trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về lãi suất nhưng không rõ ràng mà phát sinh tranh chấp:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 466 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 thì trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về lãi suất nhưng không rõ ràng mà phát sinh tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với mức 10%/01 năm (0,83%/tháng).
Thứ ba, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ quá hạn: Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rõ trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015;
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Với quy định này sẽ thúc đẩy được trách nhiệm trả nợ của bên vay, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay, phù hợp với xu thế của thực tiễn tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu, nhận thức đầy đủ để áp dụng và giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Các tin khác
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
- VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
- BÀI VIẾT: Nâng cao việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk.
- Trao đổi quan điểm bài viết Trần Văn D và đồng phạm, phạm tội gì.
- Trần Văn D và đồng bọn phạm tội gì?