Một số vấn đề bất cập về thi hành án hình phạt cải tạo không giam giữ.

Cập nhật lúc: 08:28 28/02/2023

Cải tạo không giam giữ là buộc người phạm tội phải tự cải tạo dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi họ làm việc hoặc cư trú qua việc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định.

Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực. Đây là loại hình phạt không tước tự do, không buộc người phạm tội phải cách li khỏi gia đình, nơi làm việc cũng như xã hội nói chung. Nội dung chính của hình phạt này là sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc hoặc thường trú đối với người bị kết án. Nghĩa vụ mà người bị phạt cải tạo không giam giữ phải thực hiện có thể là nghĩa vụ báo cáo, tự kiểm điểm theo định kì... và còn phải nộp từ 5% đến 20% thu nhập để sung quỹ nhà nước (trừ trường hợp được miễn do điều kiện thực tế không cho phép). Thời gian cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 3 năm.

Đây là biện pháp thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội, để họ không bị cách ly khỏi xã hội, vẫn được làm việc, sinh sống như bình thường, không để người bị kết án phải ngồi tù mà được tự do hoạt động ở ngoài xã hội.

Bên cạnh đó, họ cũng bị ràng buộc và phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, như: Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án; Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án; Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc; Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu....( trích Điều 99 Luật thi hành án hình sự năm 2019).

Người chấp hành án có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 30 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian chấp hành án, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó. Người chấp hành án khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người chấp hành án khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người chấp hành án vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan....( trích Điều 100 Luật thi hành án hình sự năm 2019).

Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp người chấp hành án vắng mặt tại nơi cư trú, không xin phép, không khai báo tạm vắng, chưa có sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án. Vì vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã và Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi họ cư trú, không xác định được họ đã chuyển đi cư trú tại đâu. Nên không thể tiếp tục theo dõi, quản lý, giám sát và thực hiện một số thủ tục khác đối với người chấp hành án được.

Trong khi đó, đối với trường hợp này chưa có văn bản nào quy định rõ về chế tài đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ vắng mặt tại nơi cư trú không xin phép, không khai báo và chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Nên trên thực tế đã xảy ra trường hợp hồ sơ thi hành án bị “treo” không thi hành được, ảnh hưởng đến việc xử lý hậu quả khi người chấp hành án hết thời hạn cải tạo không giam giữ.

Như vậy, thiết nghĩ cần quy định cụ thể chế tài đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 Luật thi hành án hình sự năm 2019, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người chấp hành án cũng như thuận lợi trong công tác thi hành án.

Người viết: Đỗ Thị Hồng Nhung         

Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột