Một số vướng mắc khi thụ lý, giải quyết án phá sản

Cập nhật lúc: 08:02 08/02/2017

Ngày 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản năm 2014, thay thế cho Luật PS 2004. Luật phá sản 2014 gồm 14 chương, 133 điều, có nhiều nội dung mới so với Luật Phá sản 2004. Tuy nhiên, kể từ khi Luật phá sản năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 cho đến nay đã nảy sinh một số vướng mắc, dẫn đến việc tuyên bố phá sản các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản còn chậm, cụ thể:

1. Về tạm ứng chi phí phá sản và tài khoản nộp tạm ứng:

Điều 38 Luật phá sản 2014 quy định:

“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

Trường hợp có đề nghị thương lượng thì việc thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật này.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản như sau:

a) Nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự;

b) Nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật phá sản 2014 thì Tòa án dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có quy định về mức thù lao đối với quản tài viên tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ, chưa có quy định cụ thể về dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản.

Bên cạnh đó, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về tài khoản do Tòa án mở tại Ngân hàng, điều này gây lúng túng cho Tòa án, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như: Tài khoản mở tại Ngân hàng được sử dụng cho một vụ hay nhiều vụ? Nếu nhiều vụ án phá sản sử dụng chung một tài khoản sẽ không đảm bảo sự độc lập trong quản lý tiền tạm ứng chi phí phá sản của từng doanh nghiệp.

2. Luật phá sản chưa có quy định về thủ tục giải quyết án phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp:

Trên thực tế, có nhiều trường hợp doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ lâu nhưng lại không tiến hành thủ tục giải thể hay phá sản, đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không có mặt tại địa phương và chủ nợ cũng không biết hiện nay ở đâu. Trong trường hợp này, nếu Tòa án thụ lý cũng gặp nhiều khó khăn trong giải quyết vụ án, cụ thể trong quá trình kiểm tra các chứng từ, sổ sách của doanh nghiệp, kiểm kê tài sản, lập danh sách chủ nợ và người mắc nợ ...

3. Về tài liệu nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Điểm a khoản 3 Điều 28 Luật phá sản 2014 quy định:

“3. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 03 năm gần nhất. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động chưa đủ 03 năm thì kèm theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong toàn bộ thời gian hoạt động;”

Trong thực tế giải quyết án phá sản, báo cáo tài chính là tài liệu bắt buộc, có vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cũng như tình hình tài chính, kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp. Nói cách khác, qua báo cáo tài chính thì Thẩm phán có thể nắm bắt được thực trạng tài chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 28 Luật phá sản 2014 lại không nêu cụ thể báo cáo tài chính có phải kiểm toán hay không? Hay chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã mà pháp luật quy định báo cáo tài chính bắt buộc phải kiểm toán mới phải nộp? như quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Luật phá sản 2004, cụ thể:

“Điều 15: Nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản

4. Phải nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán; nếu doanh nghiệp là công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải được kiểm toán thì báo cáo tài chính phải được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận.”

Vì vậy, nếu không quy định cụ thể việc kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ ảnh hưởng đến việc xác định tính trung thực của doanh nghiệp của Tòa án. Bởi lẽ, Tòa án không phải là cơ quan chuyên môn để có thể xác thực các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp, hợp tác xã đã nộp.

4. Về tiêu chí để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán:

Luật phá sản năm 2014 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít những doanh nghiệp, hợp tác xã lại là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ phải thanh toán cho các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản, các doanh nghiệp, hợp tác xã này hoàn toàn có thiện chí trả nợ cho các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản nhưng vì lí do chưa thu hồi được tiền trong kinh doanh nên không có khả năng trả nợ và các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản không đồng ý thương lượng gia hạn, theo đó đề nghị Tòa án tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này vô hình chung làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động kinh doanh của là doanh nghiệp, hợp tác xã, thậm chí lại là nguyên nhân chính dẫn đến làm ăn thua lỗ sau đó và phải phá sản “thật”.

5. Đề xuất giải pháp:

- Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về số tiền tạm ứng chi phí phá sản phải nộp và việc sử dụng tài khoản phá sản do Tòa án mở tại Ngân hàng.

- Bổ sung thêm quy định về thủ tục giải quyết án phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp.

- Bổ sung thêm quy định về bắt buộc doanh nghiệp, hợp tác xã phải kiểm toán báo cáo tài chính khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Cần xem xét thêm đối với tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Vũ Đức Mạnh