Một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết yêu cầu về dân sự theo khoản 9 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Cập nhật lúc: 15:49 31/01/2018

Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Tại khoản 9 Điều 27 của Bộ luật quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định: “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự”

Cơ sở pháp lý:

Việc dân sự được khái niệm tại Điều 361 Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động…”

Điều 74 Luật thi hành án dân sự số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014 quy định:

“1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

2.…”

Cụ thể hóa quy định tại Điều 74 Luật thi hành án dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại khoản 9 Điều 27 về yêu cầu “xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự”

Thực tiễn những năm gần đây một số tranh chấp và yêu cầu liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự ngày càng gia tăng và có tính phức tạp, các quy định của pháp luật chưa cụ thể, còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, nhất là việc yêu cầu xác định, phân chia, quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng tài sản trong khối tài sản chung của người phải thi hành án theo quy định tại Đ74  Luật thi hành án dân sự.

Trên thực tế:

- Người phải thi hành án dân sự thường ít có yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của mình trong khối tài sản chung để thi hành án bởi động chạm đến quyền lợi của họ, gây không ít khó khăn cho công tác thi hành án dân sự.

- Trường hợp người được thi hành án yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để có căn cứ cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án gặp rất nhiều khó khăn:

+ Thứ nhất: Người được thi hành án không thể biết hết người phải thi hành án có những tài sản gì, họ không biết ai là người có quyền về tài sản hay quyền sử dụng trong khối tài sản chung của người phải thi hành án dân sự để cung cấp cho Tòa án hoặc đề nghị Tòa đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng là một trở ngại trong giải quyết việc dân sự.

+ Thứ hai: Họ không thể cung cấp cho Tòa những giấy tờ để chứng minh đối với các tài sản có chứng nhận quyền sử dụng hoặc chứng nhận quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án.

+ Thứ ba: Khi giải quyết việc dân sự tại Tòa, người phải thi hành án và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong khối tài sản chung với người phải thi hành án thường không hợp tác, không có mặt tại Tòa theo giấy triệu tập của Tòa án. Do vậy khó xác định được những ai có quyền về tài sản và quyền về sử dụng đất trong khối tài sản chung để phân chia, xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng tài sản của người phải thi hành án.

+ Thứ tư: Nếu tài sản đó đã thế chấp hoặc cầm cố cho người thứ ba thì Tòa cũng không biết họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đưa họ vào tham gia tố tụng, nhằm không ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

+ Thứ năm: Những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng trong khối tài sản chung của người phải thi hành án thường ở nhiều địa phương khác nhau. Gây trở ngại cho việc giải quyết việc dân sự khi họ không hợp tác với Tòa án.

Vì vậy người được thi hành án cũng rất ít khi yêu cầu Tòa phân chia, xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, để cơ quan thi hành án dân sự thi hành án cho mình.

Khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án dân sự quy định khi người phải thi hành án, người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Những cơ sở pháp lý nêu trên, trong thực tiễn khi giải quyết các vụ việc thuộc quan hệ pháp luật này vẫn còn một số vướng mắc, lúng túng cụ thể như sau:

1.Khi người phải thi hành án và những người có quyền lợi liên quan trong khối tài sản chung với người phải thi hành án không yêu cầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thi hành án, và chấp hành viên cũng đã yêu cầu nhưng họ không hợp tác, không cung cấp địa chỉ, cố tình không có mặt tại tòa, Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự. Sau đó cơ quan thi hành án đã tiến hành xử lý tài sản kê biên bằng phương pháp bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án.

Thực tế nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án bán toàn bộ tài sản của người phải thi hành án, vì cơ quan thi hành án dân sự cho rằng những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có quyền về tài sản cũng như quyền sử dụng trong những tài sản của người phải thi hành án mà cơ quan thi hành án bán đấu giá, họ cũng đã khiếu nại quyết định kê biên, cưỡng chế của cơ quan Thi hành án. Cơ quan thi hành án cấp trên trả lời khiếu nại, cho rằng việc xử lý tài sản của cơ quan thi hành án cấp dưới là đúng pháp luật. Lúc này họ quay lại yêu cầu Tòa án phân chia, xác định phần quyền sở hữu, phần quyền sử dụng đất đã bị bán đấu giá (chủ yếu là quyền sử dụng đất khi bìa đỏ mang tên hộ gia đình), khi đó đối tượng yêu cầu phân chia, xác định quyền về tài sản, quyền sử dụng đất đã được bán đấu giá. Vậy trong trường hợp này họ có mất quyền yêu cầu không? Tòa án có thụ lý yêu cầu của họ không?

2. Nếu Tòa thụ lý yêu cầu, thì khi xác định, phân chia quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất có phần của họ. Nhưng tài sản đã bị bán, đối tượng yêu cầu phân chia, xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng đất không còn, thì ở giai đoạn thi hành án, khi thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án Cơ quan Thi hành án dân sự sẽ thi hành án như thế nào?

Để làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên xin nêu một vụ việc cụ thể:

Vợ chồng ông A, bà B vay của bà C một khoản tiền 800.000.000đ (không có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ); đồng thời thế chấp 07 lô đất và tài sản trên đất để vay vốn Ngân hàng Đầu tư phát triển 550.000.000đ và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 500.000.000đ (đã quá hạn). Ngân hàng không khởi kiện.

Bà C khởi kiện. Đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án buộc vợ chồng ông A, bà B phải trả cho bà C số tiền 850.000.000đ cả gốc và lãi.

Khi bà C có đơn yêu cầu thi hành án, Cơ quan Thi hành án cấp huyện tiến hành kê biên, bán đấu giá 07 lô đất trên của người phải thi hành án (kết quả bán đấu giá toàn bộ tài sản trên của ông A, bà B được 1.900.000.000đ, Ngân hàng được ưu tiên thanh toán do thế chấp tài sản 1.800.000.000đ mặc dù không khởi kiện; người yêu cầu thi hành án được 100.000.000đ từ bán đấu giá tài sản).

Người phải thi hành án và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng đã khiếu nại quyết định cưỡng chế thi hành án của cơ quan Thi hành án cấp huyện, cơ quan Thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp đã trả lời khiếu nại cho rằng việc kê biên cưỡng chế thi hành án của cơ quan Thi hành án cấp huyện là đúng pháp luật.

Trong quá trình tiến hành kê biên, cưỡng chế tài sản của ông A, bà B. Cơ quan Thi hành án đã thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người được thi hành án khởi kiện tại tòa để yêu cầu xác định, phân chia phần tài sản và phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản bị cưỡng chế theo đúng quy định tại Điều 74 Luật thi hành án dân sự. Nhưng họ không yêu cầu, chấp hành viên cũng đã yêu cầu Tòa án xác định, phân chia tài sản và phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung (quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình). Khi Tòa thụ lý việc dân sự, do chấp hành viên không cung cấp được địa chỉ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vợ chồng ông A, bà B và hai người con của ông bà cũng cố tình vắng mặt tại Tòa án nên Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.

Khi tài sản đã được bán đấu giá để thi hành án. Hai người con của ông A, bà B lại có đơn yêu cầu Tòa án phân chia, xác định phần tài sản và phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản đã bị cưỡng chế bán đấu giá để thi hành án.

Tòa án huyện trả lại đơn yêu cầu với lý do: sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Đương sự khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện và đã được giải quyết bằng quyết định giữ nguyên thông báo trả lại đơn khởi kiện; Đương sự tiếp tục khiếu nại lên Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án tỉnh giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án huyện; Đương sự tiếp tục khiếu nại lên Tòa án cấp cao, kết quả Tòa án cấp cao quyết định: Không chấp nhận đơn khiếu nại của hai người con ông A, bà B; Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng. 

Một câu hỏi đặt ra, nếu cơ quan Thi hành án kê biên, bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án trong đó có quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Thì cơ chế xử lý theo quy định của pháp luật như thế nào để bảo vệ quyền lợi của họ? Pháp luật hiện hành quy định việc khiếu nại tính đúng sai của các quyết định thi hành án dân sự bằng con đường khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cơ quan thi hành án cấp trên trực tiếp, đôi khi thiếu khách quan, thiếu cơ chế giám sát.

Mặt khác, Cơ quan Thi hành án dân sự chỉ tiến hành thi hành án đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, ở ví dụ nêu trên mặc dù hai Ngân hàng không khởi kiện, nhưng cơ quan Thi hành án vẫn xử lý tài sản của ông A, bà B để thi hành án cho Ngân hàng có đúng pháp luật không? bởi quá trình thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình nếu không có sự đồng ý của người có quyền sử dụng đất trong hộ là vi phạm pháp luật, nếu Tòa án xem xét có thể tuyên hợp đồng thế chấp đó vô hiệu.

Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 có quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án”. Thực tế, cơ quan Thi hành án dân sự kê biên cả những thửa đất đã chuyển nhượng từ trước đó rất lâu trước khi có bản án, quyết định của Tòa án nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, với lý do quyền sử dụng đất vẫn mang tên của người phải thi hành án. Vậy có đúng pháp luật không? Nếu có tranh chấp tài sản này thì đường lối xử lý tại Tòa như thế nào? Cần có hướng dẫn cụ thể.

Thiết nghĩ cần có sự sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn pháp luật về các vấn đề nêu trên nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân khi bị xâm phạm trong quá trình kê biên, cưỡng chế thi hành án dân sự và giải quyết quan hệ pháp luật này tại Tòa án được thống nhất và đúng pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến về những vướng mắc và kiến nghị về việc giải quyết yếu cầu về dân sự theo khoản 9 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự, mong được sự trao đổi và đóng góp của bạn đọc.

                                                                          Nguyễn Minh Tân            
                                                                        Tòa án nhân dân huyện Krông Ana